Tài xế xe hơi “cãi cùn” bà già đi bộ

Chiếc xe hơi đang bon bon bỗng phanh kít, bà cụ gục xuống sát đầu xe. Chỉ một tích tắc ấy đã khiến báo chí Trung Quốc tốn biết bao giấy mực suốt từ 2009 đến 2012, tranh luận có hay không vụ tai nạn giao thông, ai phải đền ai.

Chiếc xe hơi đang bon bon bỗng phanh kít, bà cụ gục xuống sát đầu xe. Chỉ một tích tắc ấy đã khiến báo chí Trung Quốc tốn biết bao giấy mực suốt từ 2009 đến 2012, tranh luận có hay không vụ tai nạn giao thông, ai phải đền ai.

Tài xế họ Hứa chỉ biết… hứa

Sáng ngày 21/10/2009, chàng phóng viên truyền hình Hứa Văn Hạc đang ôm vô lăng xe bon bon trên con đường Hồng Kỳ (Thiên Tân), thì nhoằng một cái, phát hiện bà cụ Vương Tú Chi (67 tuổi), đang vượt qua lan can phân cách. Sau tiếng phanh xe, người ta thấy bà cụ Vương nằm sõng soài trên đường, miệng kêu rên vì đau.

 

Sau vụ tai nạn, mọi người xung quanh mỗi người một ý, người thì bảo xe đã đâm vào bà cụ, người thì bảo bà cụ tự ngã ra đường. Cái khó là chẳng ai nhìn thấy, ngoài hai bên đương sự, nên tranh cãi ác liệt “như mổ bò”.

Tại hiện trường, đầu xe hơi lệch về phía lan can nơi người đi bộ ngã xuống khoảng 300. Lý giải chuyện này, lái xe cho rằng bà cụ Vương bị ngã do cố trèo qua lan can, nên anh mới phanh xe. Khoảng cách anh nhấn phanh cách bà cụ khoảng 2,4 m. Để tránh ảnh hưởng đến xe phía sau, anh chủ động tấp vào phía bên trái, giáp lan can, nên đầu xe hướng lệch về phía lan can là chuyện dễ hiểu. Tài xế khẳng định đầu xe còn cách lan can 5 - 6 cm, chưa hề đâm vào vật gì phía trước.

“Vừa ăn cướp, vừa la làng”?

“Hôm nay tôi bị trúng kế rồi. Bị một bà già ở Thiên Tân “gài bẫy”. Cái tôi mất không phải chỉ là tiền, mà tôi còn mất đi tất cả tình cảm tốt đẹp đối với thành phố này. Tôi quả thật rất phẫn nộ. Chẳng lẽ sự lương thiện và lòng tốt lại phải trả một cái giá quá đắt như thế sao?

Hôm nay tôi đang đi xe trên một đoạn đường hẹp thì bất ngờ gặp một bà cụ không biết từ đâu tới. Tôi thề là tôi không đâm vào bà lão. Đáng lẽ tôi đã đi qua rồi, nhưng do nhìn thấy bà lão bị ngã trên đường nên vội vàng dừng xe xuống đỡ bà cụ lên. Vậy mà bà ấy không chịu đứng dậy, cứ một mực không cần tôi đỡ lên, còn nói tôi đâm vào bà ấy…”.

Người điều khiển xe va chạm với bà lão qua đường đã đăng tải những dòng trên trên trang mạng cá nhân, khăng khăng mình “có lòng tốt giúp đỡ người khác vậy mà lại bị vu khống”. Đọc blog này, nhiều “anh hùng bàn phím” chưa hiểu sự việc, đã ra sức mắng nhiếc, lăng nhục bà cụ. Sau đó một trang blog khác được lập lên với những nội dung phỏng vấn từ cả hai phía, đưa ra những chứng cứ lập luận “chiến” nhau. Tuyên án của tòa cuối cùng đã làm các “anh hùng trên mạng” không khỏi “tẽn tò”.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc, có người thấy anh này lấy khăn lau một vết xước sơn nhỏ ở đầu xe. Hành động này bị cảnh sát ngăn lại ngay, do nghi ngờ đây có thể là chứng cứ của vụ va chạm.

Lúc bà cụ được đưa vào bệnh viện, tài xế không muốn đi cùng. Chỉ khi cảnh sát yêu cầu, người này mới miễn cưỡng đi. Tại bệnh viện, bác sĩ kiểm tra tình trạng, cho biết chấn thương nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tàn tật suốt đời.

Chi phí điều trị khá tốn kém, khoảng bốn vạn NDT (khoảng 120 triệu VNĐ). Khi hai bên bàn bạc chuyện bồi thường, tài xế tỏ ra thành tâm, hứa sẽ về nhà lấy tiền để trả viện phí.

Thời gian sau đó, người đàn ông họ Hứa đúng là chỉ biết… hứa. Anh ta biệt tăm, điện thoại không liên lạc được. Không có cách nào gặp được, gia đình bà lão khởi kiện lên tòa án.

Tháng 6/2011, Tòa án khu Hồng Kiều mở phiên xử sơ thẩm đối, tuyên đây là một vụ tai nạn giao thông, buộc Hứa Vân Hạc phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thương tật cho bà lão 10,8 vạn NDT (khoảng 360 triệu VNĐ).

Trong phiên xử lần thứ nhất, bị đơn không có mặt, nhưng khi thấy bản án thì vội vàng kháng án, cho rằng mình “giúp người mà mang họa”.

Tòa án cũng nhảy vào… tranh cãi kịch liệt.

Phía bà lão thuật lại, do chi phí điều trị quá lớn, gia đình phải cho bà xuất viện sau vài ngày điều trị, dù bác sĩ đã cảnh báo nếu không được chữa trị, có thể bị thương tật suốt đời. Ngày ra đối chứng trước tòa, bà lão ngồi xe lăn.

Nói về điều này, luật sư của Hứa cho rằng: “Việc bà lão thành tàn tật như ngày hôm nay, hoàn toàn do đã tự ý xuất viện không theo chỉ định của bác sĩ. Tự làm thì phải tự chịu”.

Gia đình bà Vương đưa ra những tấm ảnh chụp hiện trường, giám định của bác sĩ về chấn thương, cho rằng nếu bà lão trèo qua dải phân cách, bị ngã thì đầu gối và cánh tay sẽ bị thương. Tuy nhiên đầu gối và tay bà lão đều không việc gì, chỉ bị gãy xương và đứt dây chằng, nên chấn thương này không thể do ngã đơn thuần, mà do xe đâm vào.

Bác lại lý lẽ của “đối thủ”, phía tài xế dựa vào bản giám định xe không hề bị trầy xước sau sự kiện trên. Tuy nhiên trước tòa, bên giám định giải thích thêm: “Bản giám định này không thể xác định chiếc xe và bà lão có va chạm với nhau không”. Vì vậy, bản giám định rốt cục vô nghĩa.

Tài xế tiếp tục đưa ra lý lẽ, ngay sau sự việc, con gái bà lão chạy tới, mắng nhiếc mình không tiếc lời, uy hiếp, đòi anh bồi thường 8 vạn đồng, nếu không sẽ gọi người nhà đến “xử lý”.

Cô gái bị tố cáo bật dậy phân bua: “Tôi là con gái, đủ sức “uy hiếp” một người như anh ta sao? Sự việc như ngày hôm nay là do anh ta “thổi phồng” lên, cho rằng “làm ơn mắc oán”, còn viết nhăng nhít trên blog nên gia đình tôi mới quyết làm rõ trắng đen đến cùng”.

 “Tỉ số” như vậy là 1 – 0. “Phần thắng” nghiêng về bên bà lão.

Tiếp tục tranh cãi, bác sĩ điều trị cho bà lão khẳng định rằng “không thể xác định nguyên nhân gây ra chấn thương, nhưng có thể xác định chấn thương là do lực tác động từ bên ngoài”.

Lại thêm một kết luận có vẻ “chung chung”. Dù kết luận này không thể khẳng định chấn thương của bà lão là do xe ô tô gây ra, nhưng nếu không do ô tô của Hứa, thì lúc đó còn do cái gì nữa? Chẳng lẽ lại có một chiếc xe “vô hình” nào đó đâm vào người đi đường rồi chạy mất dạng? Đây chính là yếu tố để tòa án ra phán quyết.

Tòa đưa ra giả thiết: “Hai bên chưa xảy ra va chạm, mà bà Vương tự ngã do nhìn thấy chiếc xe của Hứa cách đó vài mét đang lừ lừ tiến về phía mình. Bà lão hoảng loạn, mất tự chủ, ngã vật ra”.

Cả 3 bên nguyên đơn, bị đơn và tòa án đều không “phục” nhau. Cuối cùng, tòa án bốc thăm để chọn ra một cơ quan giám định cho công tâm. Tài liệu giám định cuối cùng kết luận: “Chấn thương của bà Vương không phải do tự ngã trên đường, mà có tác động từ phía chiếc xe ô tô do Hứa điều khiển”. Tòa án chung thẩm cho rằng, những kết luận giám định trên, tấm ảnh chụp hiện trường, lời khai của đương sự đã tạo thành chứng cứ hoàn chỉnh, đủ để kết luận chấn thương do xe ô tô gây ra.

Ngày 19/1/2012, trong phiên xử cuối cùng, Tòa cho rằng việc bà lão trèo qua dải phân cách là phạm luật giao thông. Người lái có lỗi điều khiển xe va chạm vào bà lão, lại còn chạy phương tiện hết hạn bảo hiểm. Vì vậy, chi phí điều trị của bà lão hết gần 111 ngàn NDT, thì tài xế phải bồi thường 109 ngàn NDT. Vụ án chấm dứt sau hơn 400 ngày tranh cãi.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm