Tạm đình chỉ vụ án phân bón “rởm” tại Sóc Trăng

(PLO) - Sau hơn 1 tháng tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do “chưa có kết quả trưng cầu giám định”. Kết quả trưng cầu giám định này là giám định lại hay giám định bổ sung không được cơ quan ANĐT nêu rõ trong quyết định tạm đình chỉ.

Chờ kết luận giám định lại hay giám định bổ sung?

Quyết định tạm định chỉ nói “chưa có kết quả trưng cầu giám định” nhưng không nói rõ là giám định lại hay giám định bổ sung
Quyết định tạm định chỉ nói “chưa có kết quả trưng cầu giám định” nhưng không nói rõ là giám định lại hay giám định bổ sung 

Báo PLVN có loạt bài viết chỉ ra những sai phạm cần được làm rõ trong việc ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh là Kiểm soát viên Đội QLTT số 7 kêu oan vì bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Mới đây, ngày 29/9, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do: “đã hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả trưng cầu giám định”. Trước đây, ngày 22/8, TAND TP Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử và ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung với các lý do: Thứ nhất, các văn bản trả lời của Bộ Công Thương cho thấy phân bón đưa đi kiểm nghiệm đạt chất lượng, đề nghị VKS, Cơ quan điều tra cung cấp bản chính lưu vào hồ sơ, đồng thời chứng minh hậu quả thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra. Thứ hai, đối với hành vi tháo niêm phong các lô phân bón thì theo giám định viên đã gây thiệt hại vật chất và phi vật chất. Nhưng các văn bản của Bộ Công Thương khẳng định mẫu phân bón đạt chất lượng. Đề nghị VKS và Cơ quan điều tra yêu cầu giám định viên cho ý kiến và kết luận giám định bổ sung đối với kết luận giám định trước đây.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên được phép liên hệ với nhà sản xuất (Tập đoàn Con Cò Vàng) để thực hiện các biện pháp xử lý. Sau đó, Tập đoàn Con Cò Vàng có công văn yêu cầu thì cơ quan nào giải quyết, căn cứ pháp lý nào? Ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng của các lô phân bón trên?

Như vậy, đối với yêu cầu của tòa là buộc VKS và cơ quan ANĐT phải chứng minh thiệt hại do các bị cáo gây ra. Và yêu cầu các giám định viên đã từng đưa ra kết luận giám định cho ý kiến và kết luận bổ sung.

Quá trình nhận hồ sơ để điều tra theo quyết định của tòa, cơ quan ANĐT vẫn có quyền ra quyết định trưng cầu giám định lại nhằm làm rõ sự thật vụ án dù tòa yêu cầu giám định bổ sung.

Trong quyết định tạm đình chỉ vụ án cũng không nêu rõ chờ kết quả giám định lại hay giám định bổ sung. Nếu là giám định bổ sung thì các giám định viên trước đây là ông Phạm Thanh Sơn – Giám định viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giám định thiệt hại vật chất và bà Bà Khưu Thị Diệu Huyền – Giám định viên Sở Nội vụ đưa ra kết luận phi vật chất sẽ là người tiếp tục thực hiện việc giám định bổ sung.

Trao đổi với PV Báo PLVN qua điện thoại, ông Phạm Thanh Sơn – Giám định viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, người thực hiện việc giám định thiệt hại vật chất để cơ quan ANĐT làm căn cứ truy tố ông Phương và ông Thanh cho biết: “Trước đây, bên công an có yêu cầu giám định thì tôi thực hiện. Còn từ sau khi phiên tòa lần thứ 2 (ngày 22/8) đến nay, tôi không nhận được yêu cầu gì từ phía cơ quan ANĐT liên quan đến giám định bổ sung”. Ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng xác nhận: “Sở chưa nhận được văn bản, quyết định giám định bổ sung nào từ cơ quan ANĐT Công an tỉnh kể từ sau khi vụ án được tòa trả hồ sơ”.

Tiếp tục làm rõ việc “chờ kết quả trưng cầu giám định” mà cơ quan ANĐT đưa ra để tạm đình chỉ vụ án, PV liên hệ với ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương và được trả lời: “Từ ngày tòa trả hồ sơ điều tra đến nay, Sở chưa nhận được quyết định, văn bản yêu cầu giám định bổ sung từ cơ quan ANĐT. Mấy ngày nay, tôi đi công tác nhưng cũng không nghe cơ quan báo là có quyết định nào như trên”.

Còn ông Huỳnh Minh Trí - Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương, người kết luận là phân bón giả từ chối trả lời báo chí. Bà Khưu Thị Diệu Huyền – Giám định viên Sở Nội vụ đưa ra kết luận phi vật chất cũng từ chối trả lời có hay không việc cơ quan ANĐT có yêu cầu bà kết luận giám định bổ sung.

Như vậy, 2 cơ quan và 1 giám định viên liên quan đến vụ án không nhận được quyết định, văn bản nào của cơ quan ANĐT về việc giám định bổ sung như yêu cầu của tòa. Nếu cơ quan ANĐT chờ “kết luận giám định bổ sung” thì quả thật là một điều phi lý.

Còn nếu cơ quan ANĐT thực hiện việc trưng cầu giám định lại vì cho rằng việc trưng cầu giám định trước đây được những giám định viên nêu trên thực hiện là chưa chính xác thì việc trưng cầu giám định lại này do một cơ quan khác hoặc một hội đồng khác được thành lập thực hiện. Và quyết định tạm đình chỉ chờ kết luận trưng cầu giám định lại là đúng luật. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thuyết vì trong quyết định tạm đình chỉ không nêu rõ chờ kết luận trưng cầu giám định lại hay giám định bổ sung.

Bị cáo không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án?

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) nêu quan điểm, “Theo cá nhân tôi thì căn cứ để cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng tạm đình chỉ vụ án là không thỏa mãn theo quyết định trả hồ sơ của TAND TP Sóc Trăng, thậm chí là trái với quyết định trả hồ sơ”.

LS Đức cũng nêu, tại tòa các luật sư và bị cáo không yêu cầu giám định lại. Vì vậy, việc giám định lại (nếu có) có thể xuất phát từ cơ quan ANĐT và đây là trường hợp “giám định lại” theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều luật này quy định: “Việc giám định lại thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người khác thực hiện”.

“Căn cứ vào các kết luận giám định trước đây từ cá nhân thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nội vụ làm căn cứ buộc tội ông Phương và ông Thanh, theo tôi là hoàn toàn không dựa vào nguyên tắc cơ bản của “giám định tư pháp”. Hay nói cách khác việc buộc tội là khiên cưỡng, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc. Như vậy, các kết luận giám định trước đây hoàn toàn có lợi cho bị cáo, nói cách khác: “Có dấu hiệu không phạm tội”. Nay cơ quan ANĐT lại đi giám định lại, theo tôi là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi vì trước khi khởi tố, truy tố một con người phải hết sức thận trọng. Trước đây dựa vào kết luận giám định thiệt hại vật chất và phi vật chất để khởi tố, bắt giam. Nay lại “nghi ngờ kết quả giám định” để đưa ra quyết định giám định lại là một điều hết sức vô lý”.

Một LS khác bào chữa cho ông Phương lập luận: “Theo hai văn bản của Bộ Công Thương thì phân bón là thật. Phân bón thật thì làm gì có thiệt hại vật chất và phi vật chất mà phải giám định lại”. 

Trong một diễn biến khác, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng có văn bản phản hồi những nội dung mà PV Báo PLVN yêu cầu. Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đến TAND TP Sóc Trăng và được trả lời: “Ngày 22/8, TAND TP Sóc Trăng mở phiên xét xử sơ thẩm nhưng do phát sinh chứng cứ mới do tòa án thu thập và VKS không thể làm rõ ngay tại tòa nên VKS đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hiện hồ sơ do VKS thụ lý giải quyết theo thẩm quyền”.

Đoàn đại biểu Quốc hội có văn bản phản hồi đối với những vấn đề PV Báo PLVN yêu cầu
Đoàn đại biểu Quốc hội có văn bản phản hồi đối với những vấn đề PV Báo PLVN yêu cầu

Trao đổi với với PV, ông Phương nói: “Hết thời hạn điều tra bổ sung thì họ lại đưa ra lý do để “tạm đình chỉ”. Tôi cho rằng, đây là hành vi “câu giờ”, cố gắng tìm cách để buộc tội chúng tôi vì lỡ “phóng lao phải theo lao” của cơ quan ANĐT. Tôi mong rằng các cơ quan giám sát pháp luật ở tỉnh Sóc Trăng và Trung ương phải vào cuộc để sớm minh oan cho chúng tôi”. Ông Phương và ông Thanh cho biết sẽ khiếu nại quyết định tạm đình chỉ của Cơ quan ANĐT. Theo hai ông, phải đình chỉ vụ án theo hướng vô tội mới đúng. 

Đọc thêm