Đủ căn cứ cấu thành tội phạm hay chưa?
Qua nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Sóc Trăng) – người bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng cho rằng cả bị cáo Phương và Ung Văn Thanh không hề “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong quá trình tháo niêm phong cho 148 bao phân bón (có lúc bị cáo buộc là 198 bao) được cho là giả.
“Ông Phương và Thanh bị truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 281 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo quy định của điều luật, tội danh này phải thỏa mãn cùng lúc cả ba yếu tố sau: Vụ lợi hoặc động cơ cá nhân; Làm trái công vụ; và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu thiếu hoặc không thỏa mãn một trong ba yếu tố thì không được xem là hành vi cấu thành tội phạm”, LS Đức nói.
Theo LS Đức, ba yếu tố để Cơ quan ANĐT và VKS cáo buộc ông Phương và ông Thanh như sau. Thứ nhất, vụ lợi hoặc động cơ cá nhân là “xuất phát từ động cơ muốn củng cố uy tín cá nhân của mình, uy tín của Chi cục QLTT, uy tín của doanh nghiệp…”; nói cách khác, đó là muốn “ra oai”. Thứ hai, làm trái công vụ là “bị can phải nhận thức rõ Thông tư số 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường chỉ cho phép thử nghiệm tối đa 2 lần và kết quả của lần thử nghiệm thứ 2 là căn cứ để xử lý, kết luận cuối cùng. Dù biết luật quy định nhưng ông Phương và ông Thanh cố tình cho đi kiểm nghiệm lần thứ ba là vi phạm”. Thứ ba, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là “Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên đưa 148 bao phân bón không đạt chất lượng ra thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại đáng kể đến lợi ích của Chi cục QLTT và người sử dụng phân bón…”.
Đối chiếu với những chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án, theo LS Đức những cáo buộc nói trên nhằm buộc tội là thiếu cơ sở pháp lý.
LS Đức phân tích: Ông Phương được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, trong quá trình thực hiện công vụ ông Phương cùng các thành viên trong đoàn tổ chức họp, bàn bạc và quyết định cho đi kiểm nghiệm các mẫu phân bón lần 3 tại Trung tâm khảo kiểm nghiệm vùng Nam Bộ. Như vậy, việc cho đi kiểm nghiệm lần 3 là quyết định của tập thể chứ không phải quyết định của cá nhân ông Phương.
Mặt khác, việc chấp nhận cho đi kiểm nghiệm lần 3 theo đơn đề nghị của Tập đoàn Con Cò Vàng là phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, nên không thể cho rằng ông Phương có hành vi vi phạm, làm trái công vụ.
Cáo trạng cáo buộc ông Phương làm trái công vụ, vi phạm điểm đ khoản 2 Thông tư số 26 ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa có căn cứ. Bởi lẽ, nội dung điểm đ khoản 2 Thông tư số 26 chỉ quy định đối với trường hợp “người bán hàng” khiếu nại quyết định kết luận của Đoàn kiểm tra, chứ không có quy định trường hợp nhà sản xuất hàng hóa thực hiện quyền khiếu nại với quyết định hoặc kết luận của Đoàn kiểm tra. Vì vậy, khi phát sinh vụ việc khiếu nại của nhà sản xuất thì trách nhiệm của Đoàn kiểm tra phải áp dụng khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để cho phép kiểm nghiệm lại. Như vậy, trường hợp này giải quyết cho đi kiểm nghiệm lần thứ 3 là đúng luật.
Về chất lượng phân bón: Căn cứ Thông tư số 29 ngày 30/9/2014 của Bộ Công Thương, các loại phân bón đưa đi kiểm nghiệm là loại phân hỗn hợp bón rễ NPK, NP, NK, chất lượng của các loại phân này được quy định tại mục A7 của Phụ lục số 13 và mục 2.11 Phụ lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư số 29 có quy định tổng hàm lượng hai trong ba yếu tố N tổng, P2O5 hữu hiệu và K2O hữu hiệu, phần trăm khối lượng không nhỏ hơn 18% là đạt chất lượng. “Đối chiếu với kết quả kiểm nghiệm lần thứ 1, cả ba loại phân bón trên đều có % tổng hàm lượng các yếu tố đều lớn hơn nhiều lần so với quy chuẩn đạt chất lượng là 18%. Không có cơ sở để nói 3 loại phân bón nêu trên là không đạt chất lượng. Có chăng việc áp dụng của các giám định viên là chưa đúng”, LS Đức nói.
Đối với các mẫu phân bón được đưa đi kiểm nghiệm lần 2, chỉ là kiểm nghiệm bổ sung một số chất chứ không kiểm nghiệm toàn bộ. Lần kiểm nghiệm thứ 3 do Trung tâm khảo kiểm nghiệm vùng Nam Bộ thực hiện có kết quả các mẫu phân bón đều đạt. Kết quả các phiếu kiểm nghiệm mẫu lần 3 được Bộ Công Thương xác định có hiệu lực, nên toàn bộ các mẫu phân bón đều đạt chất lượng.
Đó là chưa kể đến việc giám định thiệt hại vật chất, phi vật chất của các giám định viên là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý.
Luật sư: “Cần dũng cảm đình chỉ vụ án”
Ngoài việc phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm, LS Đức còn nhấn mạnh việc không đưa đầy đủ những văn bản liên quan vào vụ án. Nhất là những văn bản có lợi cho các bị cáo. “Dư luận đặt ra vấn đề và có quyền hoài nghi khi 2 văn bản của Bộ Công Thương trả lời Cơ quan ANĐT về kết quả kiểm nghiệm lần 3 là phù hợp quy định pháp luật và đạt chất lượng nhưng bị “ém””, ông Đức nói, “Thời điểm mà Bộ Công Thương trả lời là trong thời gian Cơ quan ANĐT đang thụ lý và chưa có kết luận điều tra. Nhưng tại sao không đưa vào vụ án đối với 2 văn bản này. Đặc biệt đây là 2 văn bản có lợi cho bị can, mặt khác Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản của Sở Công Thương Sóc Trăng”.
“Có hay không việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm phạm hoạt động tư pháp mà tôi đã đề nghị ở phiên tòa bị trả hồ sơ phải làm rõ nhưng quyết định trả hồ sơ chưa thấy nhắc đến”, LS Đức nói.
LS Đức cho rằng “dù có trả hồ sơ bao nhiêu lần đi chăng nữa thì Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng cũng khó có thể thể chứng minh ông Phương và ông Thanh phạm tội. Chính vì thế, với tư cách là người bào chữa của ông Phương, tôi đề nghị cơ quan tố tụng nên dũng cảm thừa nhận việc khởi tố là nóng vội, không chính xác. Các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan theo quy định”, ý kiến LS Đức.