Hàng loạt dấu hiệu oan sai trong vụ án phân bón “rởm” tại Sóc Trăng: Bài 3 - Động thái khó hiểu sau khi “sốt sắng” quy tội

(PLO) - Khởi đầu sự việc, các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng có vẻ “sốt sắng” vào cuộc và dù chứng cứ chưa vững chắc, vẫn cố đưa ra những tình tiết quy tội ông Phương và ông Thanh. Nhưng khi vụ án xuất hiện nhiều vấn đề, có dấu hiệu oan sai, các cơ quan này lại có vẻ im hơi lặng tiếng. PV đã tìm đến Sở Công Thương, Sở Nội vụ, Sở NN&PTNT, Viện kiểm sát TP Sóc Trăng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, nhưng chưa một cơ quan nào trả lời.
Ông Phương cho rằng mình bị oan trong vụ án
Ông Phương cho rằng mình bị oan trong vụ án

Sự im lặng lạ lùng  

Trong các số báo trước, PLVN đã phân tính, đưa ra những vấn đề cần được làm rõ trong hồ sơ vụ án ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong khi cùng đoàn liên ngành đi kiểm tra  phân bón. Hai người này sau đó liên tục kêu oan. Vụ án chưa ngã ngũ nhưng hệ lụy đã thấy. Ngoài ông Phương và ông Thanh bị khởi tố, hàng loạt cán bộ trong Đoàn kiểm tra bị cách chức, bị kỷ luật. Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên thiệt hại do bị tai tiếng bán phân bón giả, uy tín bị giảm sút.

Vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây nói chung. Sóc Trăng là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Do đó khi thông tin ông Phương và ông Thanh bị bắt do cáo buộc “giải cứu”, “bảo kê” phân bón giả, nông dân thật sự lo lắng đến chất lượng phân bón trên thị trường.

Nhằm làm rõ nhưng vấn đề khúc mắc trong vụ án và đưa tin một cách khách quan về vụ án, về những tố cáo của ông Phương, PV đã tìm đến Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở NN&PTNT, VKS TP Sóc Trăng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhưng đều nhận được thông tin “tất cả lãnh đạo đều đi vắng, bận họp”… không còn ai để trả lời báo chí.

Sở Công Thương là nơi mà ông Phương và ông Thanh tố cáo nhiều người nhất, từ Giám đốc Sở đến Giám định viên tư pháp. Tuy nhiên, phòng tiếp dân cho biết lãnh đạo Sở đi vắng và yêu cầu PV để lại nội dung để trình lãnh đạo trả lời. PV đặt hàng loạt câu hỏi về thẩm quyền xử lý đơn tố cáo đối với ông Phương, về việc ông Huỳnh Minh Trí có chức năng giám định phân bón hay không? Tại sao ông Trí được phân công xử lý đơn tố cáo, lại vừa là người giám định phân bón khi Cơ quan ANĐT yêu cầu.

Đối với Sở NN&PTNT, PV mong muốn được nghe trả lời của ông Phạm Thanh Sơn về “cách tính khoa học” thiệt hại 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng không được gặp vì “lãnh đạo đang họp”.

Dù PV đã liên hệ làm việc đúng quy định, có để lại thông tin liên lạc, nhưng đến nay gần 2 tuần trôi qua, vẫn không thấy 5 cơ quan trên lên tiếng.

Tại sao các Sở mà ông Phương cho rằng có những kết luận trái pháp luật gây nên oan sai cho ông lại im lặng. Phải chăng theo sự đồn đoán của dư luận ở tỉnh Sóc Trăng, đó là “nóng vội quá, giờ không biết xử lý sao cho ổn”?

Ban đầu sốt sắng, đưa ra kết luận và khẳng định kết luận đó đúng luật nhưng khi tòa trả hồ sơ yêu cầu bổ sung thì các cơ quan này lại im lặng trước dư luận. Điều này thật sự khó hiểu. Nếu thật sự các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng đã làm đúng quy trình, đúng pháp luật thì không việc gì phải im lặng khi báo chí tìm hiểu thông tin.

Mong muốn sớm được minh oan

Ông Phương cho biết, từ ngày ông bị bắt, bản thân và gia đình hứng chịu nhiều đàm tiếu của dư luận khiến danh dự bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Một số người thân của tôi cũng là doanh nghiệp. Sau khi tôi bị bắt với cáo buộc “giải cứu” phân giả, người ta còn nghi ngờ việc kinh doanh của gia đình. Tôi rất buồn vì liên lụy đến mọi người”.

Quá trình công tác, ông Phương nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến cấp Trung ương
Quá trình công tác, ông Phương nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến cấp Trung ương

Ông Phương cho hay, trong thời gian công tác tại Sở Công Thương, năm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhận được nhiều bằng khen từ cấp tỉnh đến cấp bộ. “Tôi cho rằng cách xử lý của tôi trong sự việc khi đi kiểm tra là hợp tình, hợp lý. Đưa phân bón đi giám định lần 3, nghĩa là tôi muốn nhà sản xuất phải “tâm phục, khẩu phục”. Nếu là phân bón giả thì đưa đi giám định ở đâu, bao nhiêu lần cũng không thể trở thành phân bón thật được. Có kết quả rồi, mình xử phạt, họ không khiếu nại. Vừa tránh được tình trạng khiếu nại kéo dài, vừa giữ được uy tín cho Sở Công Thương. Chiếu theo các luật, thông tư của Bộ Công Thương, tôi thấy việc giám định là không trái quy định pháp luật nên đồng ý theo đơn của Tập đoàn Con Cò Vàng và của Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên. Trong tâm tôi lúc đó chỉ suy nghĩ như vậy”, ông Phương nói.

Ông Phương nói rằng 3 loại phân nói trên đều là phân hỗn hợp bón rễ. Nghĩa là chỉ cần đạt đối chiếu, phụ lục 13, 14 ban hành kèm Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, quy định các loại phân bón như NPK, NP (2 trong 3 loại bị đưa đi giám định) chỉ cần có tổng hàm lượng các yếu tố trên 18% là đạt chuẩn. Phiếu kiểm nghiệm lần 1 cho thấy phân NP và NPK thu tại Hồ Mỹ Nhiên có tổng hàm lượng lần lượt là 44,1% và 51,6%. Nhưng không hiểu tại sao lại bị đánh giá là không đạt chuẩn.

Ông Phương chia sẻ: “Tôi mong muốn sớm được minh oan để lấy lại danh dự cho bản thân, gia đình. Trong vụ án này, tôi và Thanh không phạm tội như cáo buộc. Tôi tin tưởng vào pháp luật, vào sự công tâm đánh giá chứng cứ của tòa án”.

UBND tỉnh Sóc Trăng chưa nhận được báo cáo của Sở Công Thương

Trả lời PV, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định khi Sở Công Thương kết luận ông Phương và ông Thanh có sai phạm nhưng chưa từng báo cáo với tỉnh. “Dù không thuộc thẩm quyền nhưng chúng tôi vẫn theo dõi diễn biến vụ án và dư luận. Hiện nay dư luận Sóc Trăng khá nóng, quan tâm tới vụ án”, ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó trưởng ban tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng nói.

Ông Lâm cho biết về thẩm quyền xử lý ông Phương vẫn có thể do Giám đốc Sở Công Thương nếu có tố cáo sai phạm. Khi được hỏi Sở Công Thương có làm sai quy trình trong việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đối với ông Phương – Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành hay không? Ông Lâm chỉ nói về quy trình xử lý nếu có tố cáo như sau: “Chi cục trưởng Chi cục QLTT là người đầu tiên ra kết luận đối với việc tố cáo ông Phương. Nếu ông Phương không đồng ý, khiếu nại thì sẽ được Giám đốc Sở Công Thương xử lý. Và khi xử lý đơn tố cáo, có phát hiện dấu hiệu hình sự thì chuyển sang công an. Đó là nói về trình tự xử lý. Còn Sở Công thương có sai quy trình hay không PV nên liên hệ trực tiếp Giám đốc Sở vì UBND tỉnh không nhận được báo cáo, không có hồ sơ vụ này”.

Đọc thêm