*Những năm gần đây, việc triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Tam Đường tuy còn khá mới mẻ và bỡ ngỡ song bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân địa phương về phương thức làm du lịch tại gia đình mình, bản làng mình. Thưa ông, ông có thể cho biết huyện có định hướng gì để loại hình du lịch này phát triển hơn nữa trong tương lai?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: - Du lịch cộng đồng hiện nay đang là một trong những loại hình du lịch được huyện Tam Đường tập trung triển khai thực hiện. Bước đầu huyện đã có một số điểm du lịch cộng đồng thu hút được du khách đến tham quan như: Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Bản Lao Chải 1 (xã Khun Há), Bản Nà Khương, Phiêng Tiên (xã Bản Bo)... Để tiếp tục triển khai phát triển mô hình du lịch cộng đồng, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào một số nội dung sau: Quy hoạch chi tiết, làm căn cứ triển khai xây dựng, phát triển các điểm du lịch cộng đồng theo từng giai đoạn cụ thể đúng theo quy hoạch.
Gắn du lịch cộng đồng với giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc, thực hiện phục dựng, bảo tồn, phát huy các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương thông qua việc khôi phục lại một số nghề thủ công truyền thống: rèn đúc, mây tre đan…. Phục dựng lại mội số lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như: nhả lửa, tủ cải (dân tộc Dao đầu bằng); cúng rừng (dân tộc Lự), té nước (dân tộc Lào)...
Địa phương cũng có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, điện thắp sáng nông thôn, dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà ở và cải tạo cảnh, chỉnh trang làm đẹp nhà ở, cảnh quan bản. Các hộ gia đình làm mô hình Homestay đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị để đón khách tham quan, lưu trú; cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi ngắm cảnh, cho thuê trang phục…
Bên cạnh đó, Huyện chú trọng đạo tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại địa phương thông qua việc mở các lớp học, lớp tập huấn ngắn hạn tại huyện; Liên kết với huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đưa người dân sang học tập các kỹ năng phục vụ khách du lịch;Tiếp tục xúc tiến, quảng bá, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư phát triển các điểm du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn.
*Phát triển du lịch là con đường nhanh nhất để giới thiệu hình ảnh thiên nhiên và con người đến với mọi người cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên kèm theo đó là những hệ lụy không mong muốn như ô nhiễm môi trường. Thậm chí nếu phát triển ồ ạt có thể làm “tổn thương di sản”. Vậy ông có thể cho biết huyện mình đã có chủ trương kế hoạch gì trên con đường phát triển du lịch bền vững?
- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Du lịch phát triển có những tác động xấu đến môi trường tự nhiên đặc biệt khi tốc độ phát triển du lịch quá nhanh sẽ bộc lộ những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, thiếu phương tiện xử lý môi trường, thiếu kinh phí... làm tăng áp lực về chất thải, nước thải sinh hoạt; tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, các nguồn nước ngầm. Các hệ sinh thái và môi trường rừng có thể bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi do phát triển du lịch không hợp lý, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư rất dễ bị biến đổi do thường xuyên tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và xu hướng thị trường hóa các hoạt động văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa rất dễ bị xuống cấp khi chịu tác động của quá đông khách du lịch tới thăm…
Để phát triển du lịch của huyện theo hướng bền vững, huyện tập trung chỉ đạo vào một số nhiệm vụ: Công tác quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch thực hiện nghiêm túc việc đánh giá các tác động đến môi trường sinh thái, tuyệt đối không để tác động xấu đến môi trường sinh thái, phá vỡ những nét hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đường.
Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng những sản phẩm dịch vụ, du lịch hấp dẫn đặc trưng của Tam Đường trên cơ sở thế mạnh tài nguyên du lịch của huyện dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển du lịch phải gắn với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo hướng bền vững; tập trung phát triển các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế sẵn có như: phát triển du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa ẩm thực của địa phương. Tiếp tục quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ quản lý phát triển dịch vụ du lịch nhằm nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao đặc biệt là đội ngũ quản lý, thuyết minh viên, các chủ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch…
*Như đã biết hiện nay mạng xã hội rất phát triển, ông có chủ trương gì để quảng bá những điểm du lịch cũng như bản sắc văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế?
- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện nay, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twiter, Instagram... là một trong những công cụ hữu hiệu để khai thác, quảng bá hình ảnh du lịch bởi lượng người truy cập đông đảo.
Trong thời gian tiếp theo, để quảng bá những điểm du lịch cũng như bản sắc văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế huyện sẽ quan tâm chỉ đạo khai thác hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống mạng xã hội với những nội dung như: Thiết lập, phát triển các trang trang quảng bá du lịch. Bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách, thường xuyên theo dõi, xây dựng các phóng sự, tin bài, hình ảnh về văn hóa và du lịch địa phương để quảng bá, đăng tải đồng thời chia sẻ trên các fanpape, hội nhóm như Hội phượt, Hội du lịch Việt Nam, trên youtube, cổng thông tin điện tử…
*Xin trân trọng cảm ơn ông!