Doanh nhân Trịnh Văn Bô: Tấm lòng cách mạng quý hơn vàng
Cụ ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) quê tại làng Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), là một thương nhân nổi tiếng giữa thế kỷ XX. Là con út trong gia đình 3 anh chị em, người gốc Hoa, nhà có hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành xưa.
Năm 1932, cụ Bô lập gia đình với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (con gái của một nhà nho nổi tiếng đất Hà Thành). Hai vợ chồng cụ tiếp quản kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi giàu có, công việc kinh doanh ngày càng tiến triển nhờ sự bền gan vững trí đồng lòng của hai vợ chồng.
Cụ Trịnh Văn Bô trong buổi quyên góp Tuần lễ vàng. |
Vào thời điểm đó, những sản phẩm tơ lụa của Phúc Lợi đã có mặt tại khắp các quốc gia: Lào, Thái Lan, Pháp, Anh… Cho đến giữa năm 1940, cụ được xem là một trong những thương nhân giàu có nhất nhì đất Hà Thành nhờ công việc buôn bán tơ lụa khắp trong và ngoài nước. Ngoài ra, gia đình cụ còn sở hữu 1 nhà máy dệt và kinh doanh thêm đất đai tại nhiều nơi ở Hà Nội và các tỉnh phát triển.
Không chỉ nổi tiếng là nhà tư sản giàu có, cụ Trịnh Văn Bô và vợ còn để lại trong ký ức nhiều thế hệ người Việt Nam bởi sự tận tâm cống hiến hết mình cho cách mạng.
Cửa hiệu số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) là nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lãnh đạo khi chuyển từ chiến khu Việt Bắc trở về. Đặc biệt, cụ Bô và vợ vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà cũng chính là nơi Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên Ngôn độc lập.
Nạn đói năm 1945, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã kịp thời ủng hộ 1000 vé phát cháo cứu đói. Thời điểm “Tuần lễ vàng” năm 1954 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động để giải quyết tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước sự khó khăn tài chính lúc bấy giờ, cụ Bô cùng gia đình đã ủng hộ 5.147 lượng vàng. Không chỉ vậy, hai cụ còn là thành viên chủ chốt trong Ban vận động của Tuần lễ vàng, cụ cũng khích lệ giới doanh nhân, kinh doanh và nhân dân quyên góp ủng hộ.
Hình ảnh một gia đình doanh nhân Hà Nội, tận tâm trong làm ăn và tận lực cống hiến cho cách mạng là điều trọn vẹn đến tên tuổi của cụ Trịnh Văn Bô. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình cụ lại có triết lý kinh doanh rất nhân văn: “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô là nơi Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. |
Năm 2017, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ chính thức “từ giã cõi tạm”, để lại trong trái tim mỗi người Việt một câu chuyện đẹp về một gia đình tư sản yêu nước. Sinh thời cụ Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: “Vàng cũng quý thật nhưng tấm lòng của Bác vì dân, vì nước còn quý hơn vàng”. Có lẽ di sản lớn nhất hai cụ để lại cho mọi người là tinh thần dân tộc ngời sáng, sự cống hiến hết mình cho đất nước, lòng tin yêu cách mạng và Bác Hồ cao cả.
Doanh nhân Đỗ Đình Thiện: Cống hiến bởi đơn giản - đất nước cần
Nhà tư sản yêu nước nhiệt thành Đỗ Đình Thiện (1904-1972), ông là con của một gia đình tư sản giàu có tại Hà Nội đầu thế kỷ XX. Bắt đầu là một nhà tri thức hoạt động cách mạng nhiệt thành, ông và vợ trải qua biết bao thăng trầm của những năm tháng đất nước “đỏ lửa”.
Năm 1927, sau khi được gia đình làm lễ dạm hỏi với bà Trịnh Thị Điền, thay vì làm đám cưới, chàng thanh niên 24 tuổi sang Pháp du học, còn cô gái Hà thành ở tuổi 16 đã bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Ông Thiện học Trường kỹ sư Canh nông Toulouse tại Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp 1 năm sau đó.
Năm 1931, bà Điền bị bắt tại Hải Phòng rồi chuyển về giam giữ tại Sở Mật Thám Hà Nội, cùng với đó là chịu những trận đòn tra tấn hỏi cung dã man. Tuy nhiên, bà đã kiên trung không chịu khai báo, tuyệt thực 1 tuần lễ để phản đối việc ngược đãi tù nhân. Sau 8 tháng giam giữ, không có đủ bằng chứng để buộc tội, chúng phải trả tự do cho bà. Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện bắt đầu tham gia những hoạt động phong trào của Đảng Cộng Sản Pháp.
Ông bị mật thám Pháp bắt tại ga xe lửa Matablant (Toulouse) vì đã in và phát truyền đơn cho binh sĩ người Việt Nam trong quân đội Pháp kêu gọi họ khi trở về nước “hãy bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng”. Tòa án Toulouse đã xử ông Thiện 4 tháng tù giam và trục xuất về nước vì những hoạt động “gây nguy hại cho chính quốc”.
Thủy chung lời ước hẹn trăm năm, hai ông bà làm đám cưới sau những thăng trầm của ngày tháng cũ. Bị kiểm soát, không thể công khai hoạt động cách mạng, vợ chồng ông Thiện chuyển hướng làm ăn buôn bán vải vóc tơ lụa.
Đến đầu 1940, gia đình ông Thiện đã trở nên giàu có và nổi tiếng khắp đất Hà Thành với tiệm buôn tơ lụa Cát Lợi tại 54 Hàng Gai, Hà Nội. Cùng với đó là hoạt động nhà máy dệt Gia Lâm và đồn điền cà phê Chi Nê mà ông mua lại với giá tương đương 2.000 lượng vàng.
Năm 1945, cách mạng thành công và những năm đầu của chính quyền còn đầy những khó khăn, ông bà Đỗ Đình Thiện đã đóng góp vào “quỹ Độc lập” 10 vạn đồng Đông Dương, 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng” (trong khi cả nước mới quyên góp được 300 lạng vàng).
Đặc biệt, để có nhà máy in tiền, giải quyết lớn về khó khăn tài chính vợ chồng Thiện đã tự bỏ tiền ra mua Nhà máy in Taupin của người Pháp để hiến cho cách mạng và Bộ Tài chính làm cơ sở in tiền của nhà nước ta trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Đồn điền ở khu Chi Nê (Hòa Bình) của ông Thiện trở thành nơi hoạt động và che giấu cán bộ cách mạng và các chiến sĩ hành quân. Riêng vụ lúa mùa năm 1946-1947, gia đình ông đã ủng hộ 200 tấn thóc cho vệ quốc đoàn chiến khu 2. Gia đình ông Đỗ Đình Thiện là một trong 2 gia đình tư sản duy nhất ở Việt Nam cả 2 vợ chồng được Đảng và Nhà nước trao Huân chương bậc cao.
Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện và vợ cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng. |
Ông Đỗ Đình Thiện - Huân chương Hồ Chí Minh và bà Trịnh Thị Điền - Huân chương Độc lập hạng Nhất, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho ông bà năm 1950. Bởi đóng góp của gia đình cho Mặt trận Việt Minh giai đoạn 1930-1954 rất lớn lao.
Trong cuốn “Nhật ký của một bộ trưởng”, cố Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, đã nhiều lần nhắc tới ông bà Đỗ Đình Thiện với tình cảm trân quý đầy sâu sắc. Ông viết: “Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình ông Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc”.
Vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện đã hy sinh cả sự nghiệp, trí tuệ, tiền của để cống hiến cho cách mạng. Đôi vợ chồng vào sinh ra tử, quyết một lòng kiên trung với Cụ Hồ, với dân tộc không một chút do dự. Vừa là nhà hoạt động cách mạng dũng cảm, vừa là doanh nhân tài ba, hai ông bà để lại cho hậu thế một tài sản quý báu về tinh thần yêu nước to lớn và trân quý nhường nào.
Một gia đình tư sản giàu nhất, nhì Hà Nội trước năm 1945, nhưng chưa bao giờ họ màng tới danh lợi sau ngày đất nước giành độc lập. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lần chia sẻ thật lòng với người con gái thứ ba của 2 cụ Thiện - Điền rằng: “Những gia đình như gia đình cháu mà đi theo Cách mạng thì thật là quý vì chỉ có hy sinh, mất mát và thiệt thòi nhiều thôi!”.
Nhớ về những vị doanh nhân lỗi lạc, họ đã hi sinh cả gia sản lớn đi theo cách mạng, cống hiến cả cơ nghiệp để góp phần vào cuộc giải phóng dân tộc mới thấm thía cảm phục tấm lòng yêu nước vĩ đại của họ. Một tầng lớp tư sản yêu nước nổi bật, không chỉ có tấm lòng thiện lương với nhân dân mà còn có cả sự kiên trung với Tổ quốc, họ đã đồng hành cùng cách mạng, cùng dân tộc trải qua những đau thương, mất mát, khó khăn và cả những vinh quang của lịch sử…