“Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, nếu Quốc hội biết amiăng trắng là kẻ giết người ở Việt Nam mà không cấm là có tội với dân”. PGS-TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, phát biểu như vậy tại buổi trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam, diễn ra ngày 6-10, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.
Khá nhiều ý kiến của các phó giáo sư, tiến sĩ nêu ra quan điểm về sự tồn tại của amiăng trắng ở Việt Nam. Trong đó, hầu hết đều khẳng định amiăng trắng là một chất gây ra cái chết từ từ cho người dân Việt Nam, nhất là dân nghèo nhưng lại được một nhóm mà các phó giáo sư, tiến sĩ gọi là “nhóm lợi ích” bảo vệ.
PGS-TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, khẳng định những quyết định và kiến nghị của bà hoàn toàn vì dân nghèo. Ảnh: VIẾT LONG
“Sự nguy hại của amiăng trắng đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng minh gây nên ung thư và Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo, vậy mà một số nhóm còn bảo vệ để amiăng trắng tồn tại ở Việt Nam thì quả thật tôi không hiểu. Chúng ta phát biểu cần phải dựa trên các cơ sở, bằng chứng khoa học khách quan, công tâm chứ không phải phát biểu vì tiền. Cần đặt lợi ích của cộng đồng và sự phát triển môi trường bền vững làm mục tiêu hành động...” - BS-TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, nêu quan điểm.
Sắp tới các cơ quan nhà nước sẽ có đoàn sang Nga tìm hiểu về amiăng trắng. Nếu chúng ta đi nghiên cứu, học hỏi thì phải sang các nước cấm sản xuất amiăng chứ không phải các nước đang xuất khẩu amiăng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu lập đoàn thì không nên dùng tiền doanh nghiệp vì nó sinh ra hối lộ. Chúng ta cần cẩn trọng xem xét để đưa lên Chính phủ cách nhìn đúng đắn nhất.
Đồng tình, bà Bùi Thị An cho rằng cơ quan nhà nước cần lắng nghe các bộ, ngành có chuyên môn, đặc biệt là Bộ Y tế. Bà An cho rằng trong hội trường hôm nay không ai sống dưới mái lợp fibro ximăng (amiăng trắng) nhưng không phải vì thế mà mỗi cá nhân ở đây lại im lặng: “Tôi tin một số cán bộ chúng ta rất tốt, vì dân. Vì vậy, tôi mong cuộc chiến này chúng ta sẽ chiến thắng vì chúng ta đấu tranh cho người dân không phải vì đồng tiền. Nếu cán bộ nào vì đồng tiền mà bất chấp, đi ngược lại với sự sống của người dân thì không xứng đáng...” - bà An nhấn mạnh.
Ngoài những căn cứ khoa học về tác hại của amiăng, bà An khẳng định đã chứng kiến một số người vợ ở vùng quê nghèo phải nhìn chồng ra đi vì căn bệnh ung thư đầy đau xót. “Tấm lợp amiăng chủ yếu người dân nghèo sử dụng, nếu họ bị mắc bệnh ung thư chỉ có đường chờ chết, chúng ta hãy thương dân nghèo. Điều chúng tôi muốn nói ở đây không phải là sự cảm nhận chung chung mà mong muốn mọi người hãy tôn trọng sự thật và hiểu đúng bản chất của nó...” - bà An nói.
Kiến nghị Chính phủ dừng sử dụng amiăng
Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020 và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện lộ trình này. Đồng thời tuyên truyền trong xã hội về tác hại của amiăng trắng và các biện pháp phòng chống, bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng.
Theo VUSTA, amiăng là loại khoáng chất silicat dạng sợi, được sử dụng để làm nguyên liệu chế tạo nhiều loại sản phẩm trong các ngành công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là để sản xuất tấm lợp amiăng-ximăng.
Tấm lợp fibro ximăng (amiăng-ximăng) đang được dùng nhiều ở các địa phương còn khó khăn. Ảnh: TL
Amiăng đã được sử dụng từ rất lâu nhưng mãi đến những năm 70-80 của thế kỷ trước mới được các nhà khoa học phát hiện ra nó có nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hàng loạt người tử vong do các bệnh phổi liên quan đến amiăng như bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi...
Hiện nay, Việt Nam vẫn đứng ở trong tốp 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới với lượng nhập khẩu hằng năm khoảng 65.000-70.000 tấn amiăng trắng, 90% số đó để sản xuất khoảng 100 triệu m 2 tấm lợp fibro ximăng (amiăng-ximăng); cung cấp chủ yếu cho dân nghèo ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số./.