Tầm nhìn Yokohama

Tạm xóa bỏ những bất đồng xung quanh các chính sách tiền tệ, trong tuyên bố chung ngày 14-11 mang tên “Tầm nhìn Yokohama”, các lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết mạnh mẽ tăng cường thương mại và đầu tư quan trọng cho sự phát triển cũng như khả năng phục hồi của khu vực.

Tạm xóa bỏ những bất đồng xung quanh các chính sách tiền tệ, trong tuyên bố chung ngày 14-11 mang tên “Tầm nhìn Yokohama”, các lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết mạnh mẽ tăng cường thương mại và đầu tư quan trọng cho sự phát triển cũng như khả năng phục hồi của khu vực.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (giữa) trước khi bắt đầu phiên họp thứ hai của hội nghị APEC tại Yokohama. (Ảnh: THX)
“Tầm nhìn Yokohama” đánh dấu tiếng nói chung của một tổ chức chiếm hơn ½ thương mại của thế giới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang làm chao đảo nhiều nền kinh tế ở các châu lục. Tại hội nghị cấp cao APEC ở Yokohama (Nhật Bản) vào ngày 13 và 14-11 lần này, các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và những nền kinh tế khác thống nhất cần thiết giảm sự mất cân bằng thương mại và nợ chính phủ, đồng thời tránh những biến động trong tỷ giá hối đoái. Thực chất, chính sách tiền tệ gây ra những bất đồng và một số vấn đề khác, nhưng APEC vẫn thỏa thuận thúc đẩy tự do thương mại, vốn được xem là đóng vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng. Theo đó, sẽ có những bước cụ thể hướng tới thực hiện Khu vực Thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thời gian cụ thể của lộ trình này không được nêu trong tuyên bố chung. Tổ chức gồm 21 nền kinh tế sẽ không áp đặt bất kỳ rào cản thương mại và đầu tư nào cũng như rào cản đối với các biện pháp kích thích xuất khẩu cho đến cuối năm 2013.

Trước các nhà lãnh đạo APEC, Tổng thống Obama kêu gọi phá bỏ rào cản thương mại, đồng thời cho rằng, an ninh và thịnh vượng của người Mỹ gắn bó chặt chẽ với an ninh và thịnh vượng của châu Á. Cũng theo người đứng đầu Nhà Trắng, các quốc gia sai lầm khi nghĩ rằng con đường dẫn đến thịnh vượng của họ chỉ dựa vào sự xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đánh giá, “Tầm nhìn Yokohama” tiếp nối các mục tiêu Bogor tại Indonesia năm 1994, đồng thời sẽ liên kết 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Song, vẫn còn có những bất đồng sâu sắc bao phủ APEC, đó là căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc xung quanh việc mất cân bằng thương mại và tiền tệ. Tổng thống Barack Obama một lần nữa gây áp lực với Bắc Kinh về dòng chảy xuất khẩu bằng cách định giá thấp đồng Nhân dân tệ. Washington muốn tăng xuất khẩu của mình vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho rằng, việc Trung Quốc định giá thấp đồng Nhân dân tệ là hàng rào ngăn cản mục tiêu này. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định: Bắc Kinh sẽ tiến hành cải cách tiền tệ theo con đường riêng và các nước không thể đòi hỏi tiến trình này diễn ra quá nhanh. Quan điểm của 2 “người khổng lồ” Mỹ - Trung được đặt ra chỉ một ngày sau khi các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 nhóm họp tại Seoul (Hàn Quốc) đề cập lại các đề xuất của Washington về những mục tiêu ràng buộc để giải quyết sự mất cân bằng thương mại toàn cầu và kiềm chế những “mánh khóe tiền tệ”. Các đề xuất hiệu quả này được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Những bất đồng đã tạm lắng để nhường chỗ cho sự ra đời của “Tầm nhìn Yokohama”, nhưng người ta vẫn thấy những dị biệt này vẫn còn âm ỉ, mặc dù các bên đều tránh một cuộc chiến thương mại và tiền tệ. Như thế, hy vọng hòa giải và hàn gắn giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới phần lớn sẽ dồn vào chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Washington vào tháng 1-2011.

VĨNH AN

Đọc thêm