Chúng ta đều biết, dấn thân vào nghề báo là dấn thân vào sự nghiệp đầy trách nhiệm đối với đất nước, đối với xã hội và đối với mỗi con người-bằng ngòi bút của chính mình. Các nhà báo lão thành có uy tín đã tổng kết: làm người viết báo phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì mới nên nghề.
Vấn đề thật rộng lớn, phong phú, đầy lý trí và cảm xúc. Ở đây chỉ xin bàn thêm về bốn chữ: Là nhà báo phải “tâm sáng, bút sắc”, vì có lẽ mắt sáng, lòng trong cũng chính là để cho tâm sáng, tạo nền móng vững chắc, tạo ra năng lượng hành nghề cho bút sắc. Đây cũng chính là nêu lên mối quan hệ đặc biệt gắn bó giữa đạo đức và tài năng của nhà báo.
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người còn chỉ rõ: Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Lời chỉ dẫn rất cụ thể và sâu sắc của Bác cũng chính là để cho mỗi nhà báo đứng vào trận tuyến cách mạng luôn phấn đấu để có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trình độ hành nghề, đủ sức làm chủ nghiệp báo của mình, luôn luôn rèn luyện cho mình tâm sáng, bút sắc.
Tâm sáng chính là yêu cầu nổi bật của đạo đức nhà báo, nó là khởi điểm và quan trọng bậc nhất trên con đường chiến đấu bằng ngòi bút và lao động sáng tạo của mỗi nhà báo. Vượt lên tất cả mọi sự cám dỗ, làm báo trong cơ chế thị trường, mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện, tự soi lại mình, tự xác định cho mình những “ba-ri-e” vô hình mà mình không thể vượt qua.
Nhà báo Hữu Thọ cho rằng, nghề báo là nghề thông tin, điều tra, bình luận, phản ánh sự việc, dư luận và tạo ra dư luận. Thực tế và thực sự là một thứ quyền lực dư luận, cho nên một số người làm báo dễ hiểu lầm là: chính mình là quyền lực, có quyền ban phát để đòi công, có quyền tung ra để trả oán. Và khi cho mình có quyền lực thì bao giờ cũng phải đề phòng bệnh lạm quyền, vỗ ngực, có thể làm người ta e sợ nhưng không làm cho người ta tin cậy, yêu thương và kính trọng. Hoạt động báo chí là một nghề luôn liên quan đến toàn xã hội, nó có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, dư luận và quan điểm xã hội, nó có khả năng làm lợi và làm hại cho xã hội, cho từng con người sau mỗi bài viết hay mỗi lần xuất bản... Chính vì lẽ đó, nói đến làm báo cách mạng là phải nói đến đạo đức của người làm báo, nói đến cái “tâm sáng lòng trong” của người cầm bút.
Qua những suy nghĩ của nhà báo Hữu Thọ, ta càng thấy cái “tâm sáng” của nhà báo chính là cái tâm xây dựng. Mỗi bài viết là góp một nét xây dựng cho đời, cho xã hội, cho đất nước, cho địa phương mình.
Khi nêu những gương tốt là không phải để tâng bốc, đánh bóng đơn vị, cá nhân, mà là để biểu dương, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay, làm tốt, đồng thời qua đó soi vào các khoảng tối, các lệch lạc, sai trái. Mặt khác, khi thông tin những biểu hiện tiêu cực không phải là để bôi đen, gây hại cho đơn vị và cá nhân có vấn đề, mà chính là để phê phán các lệch lạc sai trái, cảnh báo cho xã hội và còn nhằm bảo vệ, phát triển cái mới, cái đúng, cái tiên tiến, đi lên.
Đó cũng chính là biểu hiện của cái tâm sáng, bản lĩnh của nhà báo.
Muốn “bút sắc” đương nhiên phải có dũng khí đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân, của đất nước, “đâm mấy thắng gian bút chẳng tà” như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định. Vấn đề là muốn cho “bút sắc” không thể bị ai bẻ gãy thì tất yếu phải triệt để tôn trọng sự thật, thu thập tài liệu, điều tra chính xác và quan trọng là cái tâm phải sáng. Thông tin phản ánh đúng sự thật là thế mạnh đặc biệt của báo chí, song sự thật đó phải đúng với bản chất của nó, phải chính xác đến chi tiết cuối cùng. Nắm chắc và thông tin đúng sự thật, chọn lọc những thông tin có giá trị, có chất xây dựng, được quần chúng quan tâm sẽ tạo nên uy tín và hiệu quả cao cho báo chí, đồng thời là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ mình trước công luận, trước pháp luật, bảo vệ ngòi bút sắc của các nhà báo chân chính.
Nhà báo lão thành Hoàng Tùng đã viết: Bản chất cách mạng, sức chiến đấu và cả công tác tuyên truyền cách mạng thể hiện chủ yếu ở chất lượng thông tin và nghị luận trên báo chí. Nó gắn liền với sự kiện, làm rõ bản chất của nó, dự báo xu thế phát triển của tình hình, hướng dẫn dư luận và hành động của hàng triệu con người. Trong những tình huống phức tạp, những nguy cơ, quần chúng dựa vào tiếng nói tin cậy để suy nghĩ và hành động. Lúc biển lặng sóng yên, sự kiện đã ngã ngu rồi mới lên tiếng vuốt đuôi thì còn đâu là vai trò tiên phong. Tạo được sự tin cậy lần này thì lần sau lòng tin vững hơn. Báo chí cách mạng của chúng ta do Bác Hồ lãnh đạo và giáo dục và chính Người là một nhà báo mẫu mực đã tạo được sự tin cậy mạnh mẽ của nhân dân ta.
HỒNG PHƯƠNG