(Đà Nẵng Xuân 2010) - Hình như nhiều người đều có cảm nhận này: Thời gian trong hòa bình hóa ra lại trôi nhanh hơn trong chiến tranh, mới đó mà đã 35 năm hòa bình. Cũng lại thường có cảm giác thời gian trôi nhanh, rất nhanh khi người ta làm được nhiều việc, có nhiều việc để mà làm, lúc nào cũng gấp gáp, hối hả, lúc nào cũng thiếu thời giờ, con người đuổi theo đến hút hơi vẫn thấy chưa đủ. Tôi nghĩ người dân Đà Nẵng là những người có được cảm giác như vậy, và đấy quả là một hạnh phúc.
|
Họ thấy thành phố của mình thay đổi từng ngày. Có lẽ sẽ không sai khi nói rằng ngày nay nhiều người, cả trong nước và ngoài nước, đặt chân đến Đà Nẵng đều công nhận đây là một trong vài thành phố đẹp nhất nước, và là cái đẹp mới, được tạo nên từ khoảng hơn chục năm nay. Trước đó, nhớ lại, thành phố nhếch nhác, thậm chí có cảm giác gì đó như uể oải, chán chường, không muốn động chân động tay, không biết đến bao giờ, không biết làm sao thay đổi cho được đây?
Tôi thường cố nhớ lại cái thời điểm bắt đầu của sự thay đổi đó, cố nhớ lại xem bằng sự kiện nào mà mọi sự đã bắt đầu? Hình như bắt đầu là thế này: Một vài con đường được tu bổ, làm mới. Tôi nhớ đường Đống Đa và đường Nguyễn Tri Phương. Không phải đường phố, còn tệ hơn cả đường làng, ổ voi chứ không phải ổ gà. Rác ngập ra đường, bám chân người đi qua. Thường vẫn vậy, rác trên đường, rác ngay trước cửa nhà, dây cả vào trong nhà, thì cũng dây vào trong tâm trạng con người. Tôi xin lỗi, tôi biết ngày ấy, người ta, người Đà Nẵng, cũng sẵn sàng thả mình sống nhếch nhác. Trước hết từ việc đổ bừa rác ra đường, rồi cả chính trong nhà mình nữa, chính mình nữa, từ ăn mặc cho đến cư xử nhếch nhác cũng chẳng buồn quan tâm…
Cho đến một hôm chính con đường ấy được cương quyết mở rộng ra, làm lại, tráng nhựa láng bóng, thật sự hiện đại. Lạ vậy, bỗng dưng con người ở hai bên đường thấy chính mình phải thay đổi… theo cho bằng con đường. Một con đường, rồi nhiều con đường. Một khu phố, rồi cả thành phố. Bên này sông, rồi cả bên kia sông. Nội ô, rồi cả ngoại ô… Một thành phố hiện đại ra đời, tất nhiên không thể và cũng chẳng cần to bằng Hà Nội hay Sài Gòn, nhưng hiện đại không hề kém, thậm chí mặt nào đó, nói theo cách nào đó, còn có phần hơn. Và diện mạo con người cũng sáng bừng ra. Ai cũng biết, mặt sáng bừng ra vì lòng đã sáng ra. Tôi biết người Đà Nẵng hôm nay đều rất tự hào về thành phố của mình, tự hào chính đáng, vì chính họ đã làm nên sự thay đổi đó. Quyết liệt, mạnh mẽ, thông minh. Thật sự thông minh. Chẳng hạn những cây cầu qua sông Hàn là rất thông minh, chúng đánh thức dậy, với một tốc độ kỳ lạ, cường độ cũng kỳ lạ, cả một vùng đất bên kia sông đầy tiềm năng mới mấy năm trước còn ngủ quên, u tối, quê mùa…
Có thể ở đây có một bài học chăng: Tất cả đã bắt đầu từ một con đường, từ việc “hiện đại hóa” một con đường. Tất nhiên không chỉ trần trụi là một con đường, vấn đề là ở chỗ con đường được trở nên hiện đại, văn minh đó đã tạo ra một môi trường hiện đại, văn minh cho con người. Nghĩa là tạo ra một văn hóa, đánh thức một văn hóa. Một văn hóa mới. Dọn rác trên đường phố; dọn rác trong tâm hồn. Và trí tuệ nữa.
Tôi biết có nhiều nơi muốn đến học Đà Nẵng. Có thể có rất nhiều bài học cụ thể, và bao giờ cũng vậy, mỗi nơi một khác, thực tế khác, cách làm cụ thể ắt cũng phải khác. Riêng tôi, tôi hiểu bài học chủ yếu của Đà Nẵng 35 năm qua trước hết là một bài học văn hóa chứ không chỉ, không chủ yếu là bài học về những biện pháp, dù những biện pháp ấy có khôn khéo, thông minh đến đâu. Hoặc đúng hơn, bài học về những biện pháp giỏi xuất phát từ một thay đổi văn hóa đúng. Vậy đó, trước hết vẫn là văn hóa.
•
Tôi có một anh bạn thân lãnh đạo một thành phố, là một người lãnh đạo giỏi. Cái giỏi nhất của anh, theo tôi, là ở chỗ bao giờ anh cũng thấy thành phố của mình đang có vấn đề; lúc nào cũng lo. Lo nhất không phải là thấy vấn đề rồi thì làm thế nào đây, mà là lo không thấy vấn đề.
Thật tình, tôi cũng lo như vậy cho Đà Nẵng. Đà Nẵng có thấy, và thấy đúng vấn đề của mình hôm nay? Thật nghịch lý, Đà Nẵng đã chuyển mình mạnh mẽ từ một hành động văn hóa; nhưng vấn đề của Đà Nẵng bây giờ có lẽ cũng lại là vấn đề văn hóa. Tôi có một kỷ niệm, ngày xuân xin cho phép được kể lại. Tôi có may mắn được thân với anh Hồ Nghinh, người Bí thư nổi tiếng dũng cảm của Quảng Nam trong chiến tranh, và hết sức uyên bác, thâm thúy trong hòa bình. Sau 1975, trở về Đà Nẵng có hôm anh tâm sự với tôi: Phải xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm văn hóa. Tôi thưa lại với anh: Việc ấy cần một trăm năm, anh ạ. Anh suy nghĩ một lúc, rồi bảo: Đúng!
Nên nhớ điều này: Trong suốt lịch sử của mình, Đà Nẵng chưa bao giờ là một thành phố văn hóa. Từng là một thành phố thương nghiệp, một thành phố quân sự, một thành phố kinh tế hay cũng có thể công nghiệp chừng nào đó, nhưng văn hóa thì chưa. Và mặt yếu của Đà Nẵng hiện nay cũng là về văn hóa. Bắt đầu sự thay đổi thật đẹp bằng một hành vi văn hóa, nhưng rồi sau đó hình như sự hiện đại hóa đã dần dần xao nhãng nền tảng văn hóa, để cho mặt văn hóa có cảm giác là mặt bị coi nhẹ trong phát triển của mình. Thậm chí có những điều làm sứt mẻ hay tổn thương những tài sản văn hóa vốn chẳng nhiều nhặng gì. Nhìn lại mà xem, hóa ra Đà Nẵng hiện nay là thành phố để lại ít khoảng không gian xanh nhất giữa những rừng bê-tông của mình, ngay cả so với Sài Gòn là thành phố bê-tông nhất nước.
Có những nhà cao tầng mới của Đà Nẵng khá đẹp, nhưng rồi mà xem, chẳng gì đẹp hơn những công viên xanh tĩnh lặng và những hồ xanh tĩnh lặng, đấy mới là cái đẹp vĩnh cửu, và coi chừng xây nhà thật cao thì được, nói cho cùng cũng không phải là điều không làm được, nhưng giữ được sự tĩnh lặng cho tâm hồn thanh thản của con người giữa một thành phố hiện đại mới là khó. Bờ biển vịnh Đà Nẵng được coi là đẹp và quyến rũ nhất thế giới, nhưng những nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ… che lấp và chiếm gần hết những chỗ đẹp nhất. Thật tình rất đáng lo cho bờ biển Đà Nẵng. Những công trình xây dựng quá nhiều đang phá vỡ vẻ đẹp tuyệt vời ở đây…
Và một lần nữa, vì thiết tha với Đà Nẵng, tôi không thể không nói lại điều này: Hòn ngọc văn hóa quý nhất, có giá trị đơn nhất của Đà Nẵng là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, có thể xây hàng nghìn nhà cao tầng hiện đại nhất nước, so được với cả thế giới, nhưng không bao giờ và không ở đâu có được một Bảo tàng Chăm Đà Nẵng nữa đâu. Đà Nẵng đã nổi tiếng về kinh nghiệm giải tỏa để xây những khu phố hiện đại, sao không thể, và trước hết không tập trung mọi sự thông minh và kiên quyết để giải phóng hòn ngọc long lanh ấy ra khỏi những kiến trúc tạp nham đang vây kín quanh nó? Đà Nẵng sẽ tuyệt biết bao nếu có được một không gian xanh thoáng đãng quanh bảo tàng của một nền nghệ thuật duy nhất thế giới này bên bờ con sông Hàn cũng thật đẹp thiên nhiên đã phú cho nó…
Gần đây có người đưa ra một khái niệm sâu sắc: Hạ tầng mềm. Tôi hiểu hạ tầng mềm chính là văn hóa. Và cũng lạ, trong sự tồn tại và phát triển của một đất nước, một xã hội, chính hạ tầng mềm, chứ không phải hạ tầng cứng, mới là nền tảng của sự bền vững.
•
35 năm đã đi qua, như một thoáng chốc, mà để lại trên mảnh đất này biết bao kỷ niệm và bài học. Có lẽ ít có nơi nào có được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân như ở đây, một thành phố sạch sẽ, chăm chút đến từng số phận con người, kể cả đó là những cuộc đời hoàn lương. Đà Nẵng đã bắt đầu cuộc chuyển đổi đẹp đẽ của mình bằng một hành vi văn hóa trông nhỏ thôi mà sâu sắc và thông minh, từ đó tạo nên được đà phát triển có thể nói chưa từng có. Như ta biết, tất cả đều nằm ở con người. Hành vi văn hóa ấy đã làm nên con người Đà Nẵng chỉnh chu và năng động khiến cả nước yêu mến và cảm phục. Nhưng cũng chính vì vậy mà những tổn thương về văn hóa, lơ là về văn hóa, yếu kém về văn hóa cũng sẽ làm tổn thương, thậm chí trong mức độ nào đó có thể tạo ra sự xuống cấp của con người, nhân tố quyết định tất cả. Con người hằng ngày sống trong một thành phố mà nếu những hòn ngọc văn hóa quý nhất không được coi trọng thì sẽ dần dần đánh mất đi văn hóa của mình, cũng sẽ coi thường văn hóa, không khéo đến lúc nào đó lại sa vào một kiểu nhếch nhác khác, giàu hơn, hiện đại hơn, mà cứ nhếch nhác. Và sẽ càng khó chữa hơn.
Văn hóa thường im lặng và rất nhỏ, tinh tế trong từng quyết định nghe có vẻ dễ dàng như cái bỏ cái xây, và cũng thường mất đi rồi mới biết là vô giá, bao nhiêu năm sau có giàu nhất thế giới cũng không mua lại được nữa.
Năm mới, cũng là mở đầu một thập kỷ mới, hãy hy vọng và tin rằng thành phố thân yêu này sẽ phát triển một cách có văn hóa, như nó đã từng bắt đầu rất giỏi hơn mười năm trước.
Đầu năm 2010
Nguyên Ngọc