Tạm trú để “chạy” trường

Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) có lẽ là một trong những ngôi trường THPT có cơ sở vật chất cũ kỹ, nghèo nàn nhất TP.HCM.

Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) có lẽ là một trong những ngôi trường THPT có cơ sở vật chất cũ kỹ, nghèo nàn nhất TP.HCM. Năm học 2009-2010, trường có 12 lớp 10. Nhưng đến đầu năm học này, khi học sinh lên lớp 11 trường xếp lại chỉ còn chín lớp. Hơn 50 học sinh hết lớp 10 đã chuyển đi vào đầu năm học.Học sinh trúng tuyển lớp 10 vào trường này chỉ có khoảng 1/3 học sinh trong quận, nhà gần trường. Đến 2/3 học sinh đến từ vùng khác, nhà quá xa trường, chuyện chuyển trường khó tránh khỏi” - thầy Nguyễn Công Phủ, hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, cho biết. Tuy nhiên, nguyên nhân không hẳn vì nhà xa trường. “Cứ đến và nhìn hai trường THPT Võ Trường Toản và Trường Chinh cùng quận to đẹp hơn gấp bội, giáo viên chúng tôi còn “thèm” được dạy ở đó nữa, trách phụ huynh và học sinh sao được khi trường mình quá khó khăn”.
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)
Trong khi đó, năm học này dù học sinh Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) sẽ được học trong ngôi trường khang trang nhưng một số vẫn chuyển đi. Thầy Nguyễn Duật Tu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong danh sách tuyển sinh lớp 10 của trường có đến phân nửa học sinh có hộ khẩu nơi khác đến. Không có gì ngạc nhiên khi số học sinh này lần lượt xin đi”. Có thể nói hầu hết những trường có cơ sở vật chất thiếu, điểm đầu vào thuộc tốp dưới trong bảng điểm chuẩn của thành phố đều cùng chịu cảnh “mất” hàng chục đến hàng trăm học sinh mỗi năm. Lý do được đưa ra nhiều nhất là “trước đây chọn sai nguyện vọng, giờ xin chuyển về trường gần nhà”. Song không ít trường hợp xin chuyển đi với lý do nhà xa nhưng nơi đến lại là một trường mà học sinh phải đi xa gấp đôi so với trường đang học. Cũng có trường hợp học sinh nhà đằng đông xin chuyển về trường danh tiếng hơn ở đằng tây. Nhiều trường hợp nhà trường nhận thấy bất hợp lý, không duyệt chuyển đi, phụ huynh vẫn tìm cách “chạy” bằng được. Năm học 2009-2010, một trường hợp xin chuyển từ Trường THPT N về Trường THPT L không được giải quyết. Lập tức có đến bảy cán bộ từ cấp quận đến thành phố lần lượt gọi điện đến hiệu trưởng Trường THPT N “can thiệp”. “Tôi không thể giải quyết cho chuyển đi vì hiệu trưởng không thể tự làm khác quyết định của tập thể hội đồng xét chuyển trường” - hiệu trưởng nhà trường nói. Và đến đầu năm học này, phụ huynh của học sinh trên lại đến xin chuyển con đi. Theo ông Lâm An - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, việc chuyển trường được thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Các trường sẽ giải quyết tùy theo khả năng tiếp nhận của từng trường và xét nhu cầu chính đáng, nơi ở thực tế của phụ huynh. Tuy nhiên, một trưởng phòng giáo dục cho rằng trừ trường hợp chuyển trường theo nơi cư trú và làm việc của cha mẹ, còn những trường hợp phụ huynh chạy chọt chuyển trường vì so sánh trường này tốt hơn trường kia thì không nên. Tuổi thơ của các em cần ổn định học hành, việc chuyển trường gây cho trẻ bỡ ngỡ, khập khiễng với môi trường mới.
Theo Phúc Điền
Tuổi Trẻ

Đọc thêm