"Tâm" và "tầm" của một Nhà giáo Ưu tú

Nhà giáo Ưu tú Vũ Luyện, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Giao Thủy đưa tôi đi thăm toàn cảnh khu trường. Một không gian tươi xanh tràn ngập ánh nắng với hai dãy nhà học 3 tầng gồm 24 phòng học và khu hiệu bộ, phòng hội đồng hai tầng rộng rãi, thoáng mát. Trên nét mặt của thầy và trò nhà trường đều ánh lên một niềm tin trước thềm năm học mới. Khi còn rất nhiều khó khăn, nhưng hàng năm nhà trường đã có tới 70-80% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Luyện, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Giao Thủy đưa tôi đi thăm toàn cảnh khu trường. Một không gian tươi xanh tràn ngập ánh nắng với hai dãy nhà học 3 tầng gồm 24 phòng học và khu hiệu bộ, phòng hội đồng hai tầng rộng rãi, thoáng mát. Trên nét mặt của thầy và trò nhà trường đều ánh lên một niềm tin trước thềm năm học mới. Khi còn rất nhiều khó khăn, nhưng hàng năm nhà trường đã có tới 70-80% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có từ 40-50 em đỗ đại học ở nguyện vọng 1 và đặc biệt là trường dân lập nhưng học sinh của trường lại "nổi tiếng'' trong huyện về nền nếp, tác phong cũng như đạo đức học đường.

Trong ảnh: Nhà giáo Ưu tú Vũ Hữu Luyện (đứng giữa) trao đổi các công việc chuẩn bị cho năm học.
Trong ảnh: Nhà giáo Ưu tú Vũ Hữu Luyện (đứng giữa) trao đổi các công việc chuẩn bị cho năm học.

Thành lập từ năm 1997, trường THPT dân lập Giao Thủy trong những ngày đầu gặp không ít khó khăn, phải đi học nhờ và nhất là nhiều phụ huynh, học sinh còn chưa tin tưởng vào loại hình trường "dân lập" còn rất mới này. Sau khi trường được ổn định tại xã Hoành Sơn thì cũng là lúc Nhà giáo Ưu tú Vũ Luyện sau 15 năm giữ cương vị hiệu trưởng tại trường Hải Hậu A (năm 2001) đã về hưu và nhận công tác tại trường. Với trách nhiệm của người lãnh đạo mới, Nhà giáo Ưu tú Vũ Luyện luôn trăn trở một câu hỏi lớn: Làm thế nào để đứng vững và phát triển với loại hình trường dân lập còn rất mới với người dân quê biển?. Trường dân lập nghĩa là phải biết dựa vào dân. Dân vùng quê biển tuy còn nghèo nhưng lại rất hiếu học, luôn mong muốn con em mình vươn lên làm chủ cuộc sống bằng tri thức, bằng nội lực bản thân dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của người thầy. Thầy hiểu, dựa vào dân trước hết phải dựa vào hội phụ huynh học sinh, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan ban, ngành địa phương. Từ nguồn lực của dân, người có nghề thì góp công xây dựng trường, người có của thì đóng góp tùy tâm. Tiền xây dựng và học phí do phụ huynh đóng góp (theo mức quy định của tỉnh) được quản lý chặt chẽ, tính toán và chi tiêu hợp lý, công khai, có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh… Đến nay, nhà trường đã có diện tích khoảng 8ha, với đủ sân chơi, bãi tập, các phòng học, phòng chức năng, trong đó riêng khu bãi tập thể dục thể thao của học sinh có diện tích 3300m2 cách biệt với khu lớp học. Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất là xây dựng đội ngũ giáo viên. Với chất lượng "đầu vào'' của học sinh rất thấp, đội ngũ giáo viên của trường vừa phải dạy giỏi, vừa phải có cái tâm hết lòng với học sinh! Ngay từ buổi đầu, thầy Luyện đã tập hợp được một đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm. Đó là những thầy, cô dạy giỏi ở các trường công lập trong huyện, ngoài huyện vừa về hưu nhưng còn sức khỏe và tâm huyết với nghề, trong đó nhiều người từng giữ cương vị hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn… Những giáo viên trẻ mới ra trường đều được phát huy năng lực, được các thầy cô có kinh nghiệm dìu dắt, chỉ bảo, nên sớm trưởng thành trong chuyên môn thông qua các đợt thi đua, qua các đợt hội học, hội giảng, sinh hoạt chuyên môn và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Căn cứ vào chất lượng giảng dạy cũng như kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, nhà trường có sự động viên, khen thưởng cũng như rút kinh nghiệm kịp thời. Những giáo viên ở xa, nhà trường bố trí cả phòng ăn, nghỉ ngay tại trường để các thầy, các cô tiện sinh hoạt, giảng dạy. Những việc làm tuy nhỏ nhưng thiết thực đã tạo cho giáo viên tình cảm gắn bó lâu dài. Hiện tại, trường có 42 giáo viên, trong đó giáo viên cơ hữu chiếm 72,9%.

Với "đầu vào'' yếu về học lực và có không ít em chưa thật chăm ngoan, các thầy cô, nhất là người Bí thư Đoàn trường đã phải bỏ ra không ít công sức để đưa các em vào nền nếp với phương châm giáo dục "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm''. Vì vậy, học sinh trong trường đều có tính kỷ luật cao, có ý thức vươn lên trong rèn luyện và học tập. Hàng năm, học sinh của trường đều đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao, trong đó năm học 2009-2010 có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Cùng với kết quả thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với tỷ lệ cao và ổn định đã cho người dân Giao Thủy niềm phấn khởi, tự hào và thêm yên tâm, tin tưởng khi gửi con vào trường. Nhưng có lẽ, dù ở tuổi 72, đối với Nhà giáo Ưu tú Vũ Luyện, tương lai vẫn luôn là câu hỏi ở phía trước để mỗi ngày ông lại thêm trăn trở tìm giải pháp giúp nhà trường ngày càng phát triển ổn định và vững chắc hơn./.

Bài, ảnh: Thảo Linh

Đọc thêm