Tết này tôi không đi đâu cả, chỉ ở nhà cúng cơm cho ba. Hôm mùng 2 Tết vì nhớ mọi người quá tôi mới lên sân khấu kịch Sài Gòn để chúc Tết anh em nghệ sĩ rồi thôi. Cúng 49 ngày cho ba xong tôi mới trở lại sân khấu được.
Thỉnh thoảng ngồi một mình tôi lại khóc vì nhớ ba
|
Mỗi khi ngồi một mình tôi lại khóc vì nhớ ba |
Dù biết trước bệnh tình ba mình nhưng sự ra đi của người đã làm tôi hụt hẫng vô cùng, tôi phải gắng gượng để lo hậu sự cho ba chứ trong tôi dường như đã ngã quỵ từ lâu lắm rồi. Đến giờ này thì tâm trạng của mọi người trong nhà cũng đã ổn phần nào, có khóc có thương nhưng đã bớt bi lụy đi nhiều. Có lẽ tôi là người sống nặng về tình cảm nên cú sốc này tôi vẫn khó nguôi ngoai. Mỗi khi ngồi một mình tôi lại khóc vì nhớ ba.
Thoáng nghe giọng ca của ba trên đài, tivi mà hàng xóm mở là những dòng nước mắt không ngăn được cứ lăn dài trên má. Dù không cố ý nhưng đôi khi nghe những câu hỏi vu vơ của đứa con trai hay lời hỏi thăm của người hàng xóm lại làm tôi cảm thấy xốn xang. Mọi người động viên âu đó là quy luật tự nhiên của “sinh, lão, bệnh, tử”, tôi biết chứ nhưng làm sao anh em tôi không tránh khỏi buồn đau cho nỗi mất mát quá lớn này.
Cúng 49 ngày cho ba xong tôi mới trở lại sân khấu
Còn đến một tháng nữa mộ ba tôi mới được xây xong, nhưng tôi phải đôn đúc để có thể kịp hoàn thành trước khi cúng 49 ngày cho người. Từ lúc ba đổ bệnh và nằm xuống đến nay, mọi sô diễn mà tôi đã kí trước đó đều hủy hết. Rất may là khán giả và các bầu sô đều thông cảm, thương tình nên tôi không phải bồi thường hợp đồng cho họ, tất nhiên tôi phải chịu cảnh thất thu không nhỏ. Nhiều người bảo sau đám tang tôi có thể đi diễn lại vì lịch diễn của tôi đã kín mít từ trước và cả sau Tết, nhưng tôi không thể làm như thế.
Cúng 49 ngày cho ba xong tôi mới yên tâm trở lại sân khấu. Làm cho ba được mồ yên mả đẹp tôi mới không cảm thấy bị áy náy, day dứt với lương tâm. Lúc này mà có lên sân khấu tôi cũng không có tâm trí đâu mà diễn, có khi lại làm hỏng sân khấu thì khổ. Tính tôi vốn vậy, một khi không cảm thấy bình an thì chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc, mà làm bất cứ cái gì cũng vậy tôi đều rất chuyên tâm nên không thể cùng lúc ôm đồm nhiều việc khác nhau. Mà tôi nghĩ khán giả cũng không trách móc gì mình đâu, có khi họ còn thương tôi hơn vì cái nghĩa cái tình. Tết vừa qua tôi không đi đâu cả, chỉ ở nhà cúng cơm cho ba thôi. Hôm mùng 2 Tết vì nhớ sân khấu, nhớ anh em đồng nghiệp quá tôi mới lên sân khấu kịch Sài Gòn chúc Tết mọi người, xong rồi thôi.
Tôi từng ngăn ba lại khi biết ông có ý định làm đơn xin phong danh hiệu
45 năm, hơn nửa đời người ba tôi đã dành trọn tình yêu của mình cho nghiệp cầm ca với 1000 bài ca cổ và hơn 500 vở tuồng mà hầu hết đều do ông làm kép chính trong các vở đó. Từ một anh giáo làng hiền lành, chất phác ba tôi trở thành một nghệ sĩ vì tình yêu nghệ thuật. Nhiều người trong nghề khuyên ba tôi nên viết đơn xin Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú gì đó vì họ thấy ông đã cống hiến rất nhiều cho tuồng cổ mà đến nay vẫn chưa có một danh hiệu xứng đáng nào ngoài hai chữ nghệ sĩ. Khi biết ông có ý định này tôi đã ngăn ba lại, tôi nói với ba rằng đã sống đến từng tuổi này thì việc có hay không cái danh hiệu nghệ sĩ ưu tú gì đấy có đáng để ba phải làm đơn xin không? Mình đã trả nợ xong cho tổ nghiệp thì không còn gì phải hối tiếc. Ba đã sống cuộc sống của một người nghệ sĩ chân chính thì cái danh xưng kia chỉ là hình thức mà thôi, tình cảm mà khán giả dành cho ba mới chính là thứ đáng trân trọng.
Nghe tôi nói vậy ông cũng thôi, từ bỏ ý định ấy. Nghe nhiều người nói thấy tiếc cho ba tôi nhưng tôi lại thấy ngược lại. Có hay không có danh hiệu cao quý ấy với gia đình tôi nó không quan trọng bằng tình yêu của khán giả mộ điệu, từ lúc xảy ra biến cố đến nay mọi người ở khắp nơi liên tục gọi điện về chia sẽ với mất mát của gia đình tôi. Có lẽ, với một nghệ sĩ, tình cảm đó mới là thứ mà ai cũng phải khát khao mong có được.
Xin được tri ân tình cảm của khán giả, bạn bè, đồng nghiệp đã dành cho ba tôi và gia đình
Lúc nghe tin ba tôi mất, những người yêu mến ông đã đổ xô kéo đến tận nhà tôi để mong được nhìn mặt ông lần cuối. Ba ngày đầu khán giả đến viếng ông chật kín, ngày đưa tang là đông nhất, dòng người đưa tiễn ba tôi hôm đó làm tắc nghẽn cả một dòng đường dài đến chùa Nghệ sĩ. Nhiều nhất là những khán giả lớn tuổi, những người cùng thời hoặc nhỏ hơn ba tôi không biết tìm đâu được số điện thoại của anh em tôi mà liên tục gọi đến động viên, an ủi khiến tôi cảm kích vô cùng. Nhiều lúc đi ngoài đường, họ lại chặn xe tôi lại hỏi thăm và chia sẻ. Có những bác lớn tuổi đến tận nhà thắp nhang cho ba tôi đã ôm tôi mà nói rằng “Bác và gia đình nghe tin ba mày mất nhưng lúc đó về quê nên giờ mới lên thắp cho ba mày nén nhang, đừng quá đau buồn nghe con, ông ấy đã làm xong mọi việc ở trần thế rồi giờ là lúc để ông nghĩ ngơi”. Có khán giả còn cho rằng lúc ba tôi còn sống nghe ông ca vọng cổ rất hay rồi, giờ ông mất đi người ta nghe lại càng thấy thấm thía và thương ông gấp bội phần.
Ngay hôm ba tôi mất, cô Phượng Liên, Tài Linh và trung tâm Thúy Nga cùng các anh chị em nghệ sĩ bên hải ngoại tổ chức lễ tưởng niệm ba tôi ở bên ấy, ai cũng đến để thắp cho ba tôi một nén hương tưởng niệm. Và còn gọi điện về cho tôi để chia buồn cùng gia đình. Tất cả những tình cảm mà mọi người dành cho ba làm tôi thấy cảm kích vô cùng. Sinh thời ông là người hiền từ, rất đỗi dễ mến nên từ anh em đồng nghiệp đến khản giả mộ điệu ai cũng yêu mến và thương xót khi ông ra đi. Tôi rất hãnh diện vì ba mình và tôi sẽ làm tròn đạo lý ở đời để ba tôi được vui nơi suối vàng.
Theo Bưu điện Việt Nam