Lần đầu tiên “đăng đàn” trước các lãnh đạo, nhân viên công ty thành viên, trong chương trình OpenTalk (một chương trình thường niên của tập đoàn FPT), chiều 22/8/2013, được trang tin nội bộ của FPT thông tin lại, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã chia sẻ những tính cách bản thân và quan trọng hơn, là về chiến lược phát triển FPT trong thời gian tới.
Tổng giám đốc FPT cho rằng, mình là con người kiên định với mục tiêu đã được thống nhất đề ra, và có thể “áp đặt” việc thực hiện đến cùng để đạt mục tiêu đó. |
“Tổng giám đốc là chiếc ghế nóng, bởi tham vọng của Chủ tịch Trương Gia Bình, cổ đông và người FPT. Những tham vọng đó chính là áp lực khi ông đảm nhận vị trí mới trong bối cảnh kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi; một số ngành nghề kinh doanh của FPT đã đến giới hạn”, ông nói.
Ông Ngọc cho biết, lý do quay lại vị trí điều hành bởi “Chủ tịch và Tổng giám đốc FPT phải là một cặp bài trùng”. Lãnh đạo FPT mới chỉ chuyển giao công tác điều hành cho các thế hệ tiếp theo, nhưng cần phải làm tốt hơn công tác chuẩn bị nhân sự.
Công tác quản lý chưa được bàn giao. Lãnh đạo là bao gồm quản lý và điều hành. Chuyển giao quyền điều hành chỉ là một vế. Chuyển giao một hệ thống mới là điều đáng nói.
Trước nhận xét ông Ngọc “là con người bảo thủ” của nhiều người, Tổng giám đốc FPT cho rằng, mọi người đã nhầm lẫn khái niệm về bảo thủ và kiên định. Vì bảo thủ là không chấp nhận cái mới.
Ông dẫn chứng, khi mọi người còn lờ mờ hiểu về BSC (Balanced Score Card - Thẻ điểm cân bằng, là một phương pháp làm chiến lược) ông đã thuyết phục Chủ tịch Trương Gia Bình cho áp dụng phương pháp luận này vào FPT và nó đang hữu dụng.
“Điều đó chứng tỏ tôi không bảo thủ”, Tổng giám đốc FPT nói.
Vị Tổng giám đốc FPT cũng chia sẻ rằng, mình là con người kiên định với mục tiêu đã được thống nhất đề ra, và có thể “áp đặt” việc thực hiện đến cùng để đạt mục tiêu đó. “Ở FPT, bạn phải kiên định bởi đây là môi trường dân chủ và nhiều ý kiến”.
Giải thích về tính tỉ mỉ, khác người và “thích làm việc khó” của mình, ông Ngọc cho rằng, ở cương vị chỉ đạo thì việc tỉ mỉ không quan trọng, nhưng khi là người thực thi, điều đó lại cần thiết. Theo ông, đảm nhận việc khó là triển khai BSC ở FPT trong thời gian khá ngắn, hoặc "áp đặt" gần 1.000 lãnh đạo trung và cao cấp của FPT đi học Mini MBA.
“Tôi nghĩ việc khó thì ít người làm được, và tôi có tính không thích giống người khác. Ví dụ như tôi là lãnh đạo ở FPT không dùng Facebook, iPhone, iPad vì quá nhiều người sử dụng chúng rồi, dù tôi rất hâm mộ những sản phẩm này”, ông Ngọc nói.
Về chiến lược phát triển của FPT, Tổng giám đốc FPT cho biết, tập đoàn tiếp tục phải tăng trưởng bằng việc mở rộng địa bàn mới, dựa trên công nghệ, giải pháp tốt. FPT phải tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh toàn cầu hóa và M&A.
“Mong muốn của FPT trong thời gian tới là có trận đánh lớn ở Singapore. Mục tiêu mà tập đoàn hướng tới là 100 triệu USD trong tương lai ở thị trường Singapore và khu vực Đông Nam Á”, ông tiết lộ.
Về tổng thể, FPT kỳ vọng sẽ đạt doanh số 2 tỷ USD, trong đó tỷ trọng doanh thu bên ngoài Việt Nam là 20%. Theo Tổng giám đốc FPT, để làm được điều này, phương pháp làm chiến lược sẽ phải được tổ chức xuống công ty thành viên để mỗi đơn vị nỗ lực để hoàn thành mục tiêu.
Ông Ngọc cho biết nhiệm vụ trước mắt của mình là cố gắng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013 và kế hoạch kinh doanh ở các đơn vị sẽ được làm sát với thực tế, tránh việc “bốc thuốc” như trước.
Còn về chính sách thu nhập, hiện tập đoàn đang thực hiện chính sách thu nhập mới. Điểm quan trọng là mặt bằng lương được đẩy cao hơn và công khai tính minh bạch.
Về việc trao quyền cho thế hệ trẻ, ông khẳng định, muốn làm được việc lớn thì phải trao quyền, nhưng trao cho ai, vị trí nào thì phải xem xét và cân nhắc, đồng thời FPT cũng phải kiểm soát và hỗ trợ người được trao quyền khi khó khăn.
“Tôi tin vào tương lai của FPT. Chúng ta phải thay đổi nhiều hơn, quốc tế hóa và chuyên nghiệp hóa nhiều hơn nữa”, vị Tổng giám đốc FPT nói.
Trước đó, cuối tháng 7/2013, Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc làm Tổng giám đốc, thay thế ông Trương Gia Bình. Đây là lần thay đổi tổng giám đốc thứ 4 của Tập đoàn FPT.
Theo VnEconomy