Tan hoang rừng núi Lạc Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc “sốt” đất dẫn đến tình trạng nhiều nông dân bán đất sản xuất, sau đó lại ken cây phá rừng để lấy đất sản xuất. Quá trình lặp đi lặp lại khiến những cánh rừng ở Lạc Dương đang biến mất dần.
 Nhìn từ xa đã thấy dấu hiệu một vụ san ủi đất trái phép.
Nhìn từ xa đã thấy dấu hiệu một vụ san ủi đất trái phép.

Lạc Dương nằm giáp ranh Đà Lạt, chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển, có nhiều điểm du lịch, hệ thống giao thông đang phát triển nên được giới đầu cơ đất “quan tâm”. Mặt khác, quỹ đất huyện này cũng không còn nhiều nên giá đất Lạc Dương “sốt” nhiều năm qua.

Núi rừng nham nhở trong “cơn sốt” đất

Quan sát từ hình ảnh vệ tinh hoặc đứng từ chân núi Langbiang nhìn về các phía sẽ thấy giữa những màu xanh sườn núi là những khoảng lớn màu nâu sậm nham nhở. Đó là màu đất đỏ lộ ra khi bị san ủi đất. Bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều vị trí chân núi bị “tùng xẻo” tạo thành các mặt bằng đất theo địa hình ruộng bậc thang.

Chỉ riêng khu vực chân núi Langbiang ngay sát trung tâm huyện Lạc Dương, càng đi lên phía đỉnh núi, càng nhiều diện tích đất rừng nằm giáp ranh đất nông nghiệp bị “vén rừng”. Nhiều diện tích như vậy đang được rao bán từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/1.000m2, tuỳ theo vị trí, đất có đường đi vào tận nơi hay không. Đây cũng là lý do dẫn đến thực trạng các hộ dân đua nhau làm đơn xin nâng cấp, sửa chữa đường, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) “nhằm phục vụ nông nghiệp” nhưng thực chất là để phân lô, bán nền.

Tiếp tục dọc theo tuyến đường 79 nối từ trung tâm thị trấn Lạc Dương ra TL723 bao quanh huyện, dễ dàng nhìn thấy những khu rừng đang bị “cải tạo” lộ ra màu đất đỏ, cây rừng chết khô. Đặc biệt ở các xã Đạ Sar, Đưng K’Nớ… có những vị trí đồi bị “ăn” vào sâu để lộ ra những gốc thông chỏng chơ chờ đổ.

Một số người buôn bán bất động sản ở Lâm Đồng cho biết, Lạc Dương nằm giáp ranh Đà Lạt, chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển, có nhiều điểm du lịch, hệ thống giao thông đang phát triển nên được giới đầu cơ đất “quan tâm”. Mặt khác, quỹ đất huyện này cũng không còn nhiều nên giá đất Lạc Dương “sốt” nhiều năm qua. Việc “sốt đất” dẫn đến tình trạng nhiều nông dân bán đất sản xuất, sau đó lại ken cây phá rừng để lấy đất sản xuất. Quá trình lặp đi lặp lại khiến những cánh rừng ở Lạc Dương đang biến mất dần.

Theo ghi nhận thực tế, việc mua bán đất ở Lạc Dương chủ yếu bằng giấy tờ tay thông qua “cò”. Theo quy định pháp luật, bất động sản mua bán phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp kèm các điều kiện chặt chẽ như không có tranh chấp, không bị kê biên, trong thời hạn sử dụng đất… Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng hoặc chứng thực… Thế nhưng, bất chấp quy định pháp luật, các “thương vụ” vẫn được thực hiện.

Ngay cạnh dự án khu dân cư mới thị trấn Lạc Dương, nhiều “cò” đất đang rao bán đất nông nghiệp giá 500 triệu đến 1,3 tỷ đồng cho 1.000m2. Nhiều diện tích đất trong số này là đất Nhà nước cấp cho đồng bào dân tộc sản xuất, muốn mua bán phải đáp ứng điều kiện có 10 năm sử dụng kèm theo một số điều kiện khác.

“Chính sách cải tạo đất”, “đảo đất”… có nên xem lại?

Thực tế PV khảo sát như trên, nhưng ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho rằng: “Với đất lấn chiếm không có san ủi trái phép mà vi phạm san ủi đất thường diễn ra trên đất sản xuất nông nghiệp của người dân”.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.

Ông Minh cho rằng cái khó hiện nay là chỉ mới 50% diện tích đất nông nghiệp được cấp GCN; 50% diện tích còn lại chưa đảm bảo các yếu tố cấp sổ. “Trên diện tích đã được cấp giấy thì người dân có nhu cầu san ủi cải tạo đất thì huyện cơ bản đồng thuận cho làm trên cơ sở giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiểm tra. Còn nếu san ủi trên diện tích đất sản xuất ổn định mà chưa được cấp GCN là vi phạm. Từ đầu năm đến nay huyện xử lý gần 50 vụ”, ông Minh nói.

Về thông tin mua bán đất Nhà nước giao đồng bào dân tộc sản xuất, theo ông Minh, theo báo cáo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, các diện tích đất giao đồng bào dân tộc tới thời hạn 10 năm chưa có giao dịch nào. “Việc mua bán ngoài luồng chỉ là nghe thông tin vậy thôi chứ người đồng bào vẫn canh tác”, ông Minh nói.

Về tình trạng san gạt, mở đường ở khu vực chân núi Langbiang, ông Minh cho rằng đó là đường có sẵn và người dân cải tạo trên nền đường hiện trạng, rà sửa, vét mương để thuận lợi đi lại. Nhìn về một khu đất bị san ủi nham nhở từ phòng làm việc, ông Minh cho rằng trường hợp này người vi phạm cho phương tiện san ủi vào ban đêm, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ huyện đã lập biên bản, giữ phương tiện vi phạm “sau khi nhận được tin báo từ người dân”.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng TN&MT huyện cũng cho rằng, hiện còn 50% đất nông nghiệp chưa được cấp GCN. Nếu có nhu cầu sử dụng cải tạo đất thì theo quy định của tỉnh phải được cấp giấy phép san ủi, có GCN, phải cam kết bảo vệ môi trường. Trường hợp đất đang sản xuất chưa được cấp GCN mà san ủi là vi phạm. Tuy nhiên theo bà Hằng, “đây cũng là nhu cầu chính đáng của người dân; việc đất chưa được cấp GCN là do cơ chế”. Cụ thể 50% diện tích đất chưa được cấp sổ này phải chờ lập phương án sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt thì mới đủ điều kiện cấp GCN, đang lập phương án.

Thực tế cho thấy nhiều người lấy cớ “đảo đất phục vụ sản xuất” để phục vụ mục đích khác.

Thực tế cho thấy nhiều người lấy cớ “đảo đất phục vụ sản xuất” để phục vụ mục đích khác.

Về khu vực chân núi Langbiang và vùng lân cận thuộc thị trấn Lạc Dương, bà Hằng cho rằng với những vị trí đất có GCN, khi người dân xin đảo đất phục vụ sản xuất thì vẫn cho đảo, nhưng không làm thay đổi hình thể, khi mới đảo xong nhìn bằng mắt thường sẽ thấy đất màu đỏ. Khi PV đưa ra một số hình ảnh một số địa điểm san gạt tạo mặt bằng và hỏi rằng những trường hợp này có được cấp phép hay không, bà Hằng hẹn sẽ tổng hợp số liệu trả lời sau.

Lãnh đạo UBND huyện và Phòng TN&MT lý giải như trên có chính xác không? Ngoài những dấu hiệu vi phạm trong quản lý sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp thì ngay trung tâm thị trấn Lạc Dương còn có công trình đồ sộ vô tư xây dựng không phép, công trình nhà kiên cố mọc trên dự án khu dân cư chưa được cấp phép xây dựng; nhưng theo lý giải của chính quyền địa phương đó là “dựng nhà mẫu”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Huyện cho rằng “trên địa bàn không có phá rừng lớn”

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, diện tích rừng trên địa bàn chiếm hơn 20% diện tích rừng toàn tỉnh, tỷ lệ phủ xanh thuộc dạng cao nhất tỉnh. Trong 41 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 (có 28 vụ phá rừng, diện tích đất vi phạm gần 2ha) số đối tượng đã bị xử lý trên 95%.

Theo ông Minh, hiện ở Lạc Dương việc vi phạm xảy ra ở vùng giáp ranh đất nông nghiệp, mặt khác do tập quán du canh, du cư nên đất nông nghiệp ở Lạc Dương không liền vùng mà rải rác, gây áp lực lên rừng. Theo lãnh đạo huyện, “trên địa bàn không có phá rừng lớn mà chủ yếu là những vụ “vén rừng” và chính quyền, chủ rừng phát hiện kịp thời”.

Về biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, ông Minh cho biết huyện đang triển khai các giải pháp như: Nâng cao trách nhiệm chủ rừng; chính quyền địa phương. “Hai năm trở lại đây, chủ tịch xã đã đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm, là chuyển biến lớn so với trước đây thường sẽ phó mặc trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chủ rừng. Huyện đã thành lập lực lượng Đội 12 tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng gồm công an, quân đội, kiểm lâm, chủ rừng”, ông Minh nói.

Dù triển khai nhiều biện pháp, song tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn so với cùng kỳ năm ngoái thì số vụ vi phạm không giảm được đáng kể (giảm 1 vụ). Trong 2 tháng cuối năm, lực lượng Đội 12 sẽ thường trực ở các xã để quyết tâm giảm 5-10% số vụ vi phạm.

Về khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lạc Dương, ông Minh cho biết, đối tượng vi phạm chủ yếu là người đồng bào dân tộc nên xử phạt hành chính nhưng người dân không chấp hành tốt; cưỡng chế tài sản thì không đủ điều kiện, nên pháp luật không được thực thi nghiêm.

Bất cập nữa, theo lãnh đạo huyện, là cách thức tính toán chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn chưa phù hợp thực tiễn. Huyện đã đề nghị để tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thêm mức độ tác động của cộng đồng dân cư với diện tích rừng để có hệ số tính toán tiền phù hợp hơn. “Theo cách tính hiện nay thì khu vực rừng càng xa được tính hệ số càng lớn. Nhưng thực tế thì khu vực đó ít ai phá rừng, một quý chỉ cần đi kiểm tra 1 lần. Có chỗ cự ly gần mà áp lực lại lớn”, ông Minh nói.

Còn có thực tế một số tổ chức được thuê đất, về vai trò cũng giống như chủ rừng, nhưng công tác bảo vệ rừng không chuyên nghiệp, thường xuyên, liên tục. Huyện đã kiến nghị và tỉnh đã thu hồi đất với 3 doanh nghiệp.

Đọc thêm