Tản mạn cuối năm về môi trường

Cuối năm âm lịch Kỷ Sửu, nhân sự kiện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu thay thế thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển gas đô thị tổ chức hội thảo “Quy hoạch phát triển hệ thống cấp gas đô thị - Giải pháp góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố vì môi trường”, tôi xin góp thêm mấy ý kiến.

Cuối năm âm lịch Kỷ Sửu, nhân sự kiện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu thay thế thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển gas đô thị tổ chức hội thảo “Quy hoạch phát triển hệ thống cấp gas đô thị - Giải pháp góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố vì môi trường”, tôi xin góp thêm mấy ý kiến.
 
1- Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, trong bối cảnh nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt dần và nạn ô nhiễm môi trường không khí đô thị đang là thách thức lớn, thì vấn đề sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng trong giai đoạn trước mắt và khí thiên nhiên trong tương lai được xem là giải pháp hữu hiệu, lâu dài, giải quyết cả 2 vấn đề: Năng lượng và môi trường cho con người. Báo Đà Nẵng dẫn lời GS Bùi Văn Ga: “Đà Nẵng sẽ là thành phố đi đầu trong việc quy hoạch hệ thống cấp gas trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2010-2013 tại các chung cư, cụm chung cư sẽ có trạm cung cấp gas, đồng thời phát triển các trạm gas di động để phục vụ.

Tiếp đó, kết hợp giữa khí thiên nhiên và khí dầu mỏ hóa lỏng để cung cấp cho các khu dân cư, khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2026, toàn thành phố sẽ sử dụng hoàn toàn khí thiên nhiên...”. Đó là những ý tưởng tuy khá hấp dẫn nhưng được đưa ra từ một trung tâm nghiên cứu của trường đại học và một doanh nghiệp (Công ty Đầu tư phát triển gas). Muốn trở thành hiện thực, đòi hỏi một quyết định từ các nhà lập chính sách và quản lý đô thị, thậm chí là một nghị  quyết từ cơ quan quyền lực cao nhất, tức Hội đồng Nhân dân. Từ đó mới có cơ sở xây dựng quy hoạch, huy động vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật như trạm cung cấp, đường ống dẫn gas, hệ thống phòng chống cháy nổ và một lộ trình triển khai tương ứng...

Chúng ta nhớ rằng, Đại học Đà Nẵng đã từng nghiên cứu thành công việc sử dụng gas song hành với xăng cho xe máy cách đây vài năm. Đó là một nỗ lực gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng và bảo vệ môi trường đáng trân trọng của giới khoa học. Nhưng khi triển khai, chưa đem đến hiệu quả như mong muốn vì thiếu sự hỗ trợ cần thiết của một biện pháp mang tính hành chính như vừa nêu. Kể cả việc xây dựng hệ thống trạm cung cấp gas cần thiết cũng không dễ dàng.

Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường vào năm 2020, tuy có nêu tiêu chí năng lượng sạch, nhưng từ ý chí đến hiện thực là cả một quá trình, trong đó vai trò của việc ra quyết định ở các cấp quản lý là hết sức quan trọng.

2- Hiện nay, mỗi ngày TP. Đà Nẵng thải ra khoảng 100.000 mét khối nước thải (gần một nửa là nước thải công nghiệp). Phần lớn đều thải trực tiếp ra sông, hồ, không qua xử lý. Thống kê cũng cho thấy, lượng rác thải sẽ tăng lên 1.700 tấn/ngày vào năm 2010. Chưa thấy những con số cụ thể về chất thải hữu cơ và chất thải rắn được công bố, nhưng bằng quan sát thường ngày, việc sử dụng vô tội vạ các loại bao, túi nilon chẳng hạn, sẽ là một thảm họa cho môi trường trong tương lai.

Đề án “Thành phố môi trường” của Đà Nẵng ghi đến 23 tiêu chí cần thiết sẽ được xây dựng trong vòng 10 năm tới như: Chỉ số đầu tư cho bảo vệ môi trường là trên 1,5% GDP của thành phố, GDP bình quân là 2.500 USD/người, tỷ lệ người dân nội thành sử dụng nước sạch là trên 95% (tỷ lệ ngoại thành là trên 70%), diện tích cây xanh đô thị đạt 6-8m2/người... Tổng chi phí cho đề án được công bố là hơn 3.500 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy đã có sự tính toán cần thiết cũng như thể hiện ý chí của những nhà lập chính sách. Nhưng môi trường còn là vấn đề cây xanh đô thị, vấn nạn ngập úng ngày càng cao do ao hồ bị san lấp, không khí ô nhiễm do khí thải từ một lượng xe máy khổng lồ, trong khi lại thiếu những không gian thở (hay công viên) trong từng khu dân cư cụ thể...

Tất cả phải được bắt đầu từ quy hoạch và quá trình kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Việc UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định mời bà Kathrin Moore cùng nhóm chuyên gia đến từ San Francisco, Mỹ, thiết kế ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2025 theo Quyết định 882/TTg của Thủ tướng Chính phủ là một tín hiệu vui của những ngày cuối năm. Chúng ta hy vọng những ưu tiên về môi trường sẽ được đặt lên hàng đầu trong các ý tưởng của nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới này.

3-
Trong một bài viết mới đây, giáo sư Trần Hữu Dũng (đang giảng dạy môn kinh tế tại Đại học Wright, bang Ohio, Mỹ) khi nói về sự cống hiến âm thầm của các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến sự dâng hiến: “Dâng hiến là hành động đặc thù của một cá thể ý thức vị trí của mình trong xã hội và lịch sử. Trong lòng xã hội, họ luôn nghĩ đến những người cùng đang sống với họ. Và trong dòng lịch sử, họ cảm khái món nợ với những thế hệ đi trước và trách nhiệm với những thế hệ đến sau. Thiếu hai ý thức đó thì không thể dâng hiến”.

Suy cho cùng, không chỉ là các nhà khoa học, mà tất cả mọi người đều có thể sống dâng hiến trước cộng đồng, lịch sử và tương lai.

Xây dựng một thành phố môi trường là một ý tưởng dâng hiến. Nhưng biến Đà Nẵng thành một đô thị môi trường trên thực tế đòi hỏi sự dâng hiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả mọi người dân. Cần tạo ra một ý chí dâng hiến khắp cộng đồng cho mục tiêu này.

Trên đây là những minh họa về hoạt động của những người làm chính sách và các nhà khoa học. Còn người dân Đà Nẵng sẽ “dâng hiến” gì cho mục tiêu thành phố môi trường của mình? Tôi nghĩ nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Không phóng uế bừa bãi, giảm dần thói quen dùng túi nilon chẳng hạn! Và cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để huy động những sự “dâng hiến” bé mọn và cụ thể đó!              

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đọc thêm