Tản mạn mùa cưới

Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, việc ăn uống không quan trọng. Cỗ bàn linh đình lãng phí. Điều quan trọng là tấm lòng, là tình cảm sau ngày cưới, là tình cảm hai họ. Có như vậy người phát "thiệp hồng" cũng như người nhận "thiệp hồng" mới không nơm nớp lo (?).
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Bạn tôi vừa đi ăn cỗ cưới về đã phải cắm lại nồi cơm điện cho nóng để ăn. Chị vợ tròn mắt ngạc nhiên vì chồng mừng những hai trăm nghìn đồng mà về nhà vẫn phải ăn thêm, anh giải thích: "Cỗ bàn ớn đến tận cổ. Mâm có sáu người thì lạ cả sáu. Vậy mà vài chén rượu vào là chuyện như pháo ran. Nào là ông này đẻ ra bà kia, cuối cùng là anh em tuốt. Lúc đầu còn bác bác em em, sau là ông ông tôi tôi rồi to tiếng". Ấy là chưa kể, vừa ngồi vào mâm họ đã so sánh cỗ nhà này năm đĩa hai bát, cỗ nhà kia thêm món trứng vịt lộn với lá ngải. Thế là gà tức nhau tiếng gáy... Một cuộc "chạy đua" ngấm ngầm diễn ra. Mà chạy đua trong cỗ cưới thì chỉ có mà gục. Bởi cưới xin ở nông thôn ngày nay cứ tầm 100 mâm trở lên. Ngày mới nghỉ hưu về quê, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Vợ tôi bảo: "Trăm mâm là nhỏ đấy. Bởi ở nông thôn nhiều mối quan hệ lắm: Bên nội thì đã đành, còn bên ngoại mới phức tạp. Chỉ cần bỏ sót một người thôi là "nhất bên trọng, nhất bên khinh" ngay. Cho nên đám cưới phải lên danh sách trước hàng tháng, thậm chí còn phải mượn gia phả để tra cứu (!). Chuyện mừng thì cũng cứ tăng lên theo cơn lốc của giá cả.

Ông chú tôi đã ngoài 70 tuổi, hai ông bà trông vào 2 sào ruộng, một mảnh vườn nhỏ để sống mà tuần trước những 3 đám cưới, một đám tân gia. Con cái đi làm ăn xa, chú đến nhà tôi phàn nàn. Vợ tôi biếu chú một trăm ngàn đồng để mừng đám cưới đứa cháu họ vào ngày mai. Ông bảo: "Phải chia làm hai đám thôi. Có trách cũng chịu". Vợ tôi động viên: "Chú cứ nghĩ vậy chứ ai trách người già" (!).

Chú về, vợ tôi mở quyển sổ ghi mừng đám cưới ra đếm: "Tháng trước tổng số 7 đám cưới, 2 đám tân gia, 2 đám hiếu, vị chi là trên hai triệu đồng". Tôi không tiếc tiền, nhưng thấy cách thức tổ chức đám cưới bây giờ lãng phí quá. Tuần trước đi ăn cỗ cưới con một ông bạn vong niên. Từ xa đã inh tai nhức óc bởi tiếng nhạc quá to, đã thế vừa tới cổng, thì bất ngờ một người xô ra, lôi xềnh xệch: "Đây rồi, mời ông vào đây nữa là khéo, vừa đủ 6 vị". Không khí trong rạp cưới thì ngột ngạt trong tiếng nhạc chát chúa và tiếng nói chuyện. Ngồi vào mâm mà chẳng muốn ăn gì. Một ông kể: "Đêm qua nhạc sống đến 12 giờ, chả ai ngủ được. Mấy đám bạc nữa ăn uống suốt đêm, lại còn hát "Ôke", quay "camêra" nữa. Đám cưới này dễ tốn kém đến vài ba chục triệu". Tôi nghe mà buồn không muốn gắp, mặc cho ông luôn nhắc: "Ăn uống tự nhiên đi bác!"... Nhớ ngày mình cưới sao mà đơn giản thế. Phòng họp cơ quan, ghế gỗ ba đai, chiếc phông xanh cũng của cơ quan, bạn bè trang trí hộ. Chẳng xem ngày, cứ chủ nhật là cưới. Vậy mà 3 con tôi bây giờ trưởng thành, có cơ ngơi không to nhưng cũng đủ để giao tiếp với bạn bè. Vậy mà bây giờ cưới xin quá phức tạp. Vẫn biết ngày nay kinh tế phát triển, sinh hoạt khá giả nhiều nhưng cũng không ít người lao đao khi mùa cưới đến. Người trong cuộc thì lao đao chuẩn bị, người dự cuộc thì lao đao khâu "Phong bì, phong bao". Tất cả chỉ vì cái "oai". Họ có biết đâu đằng sau những đám cưới "oai" ấy là cả gánh nặng đè lên đôi vai cô dâu chú rể, lên đôi vai bao ông bố bà mẹ.

Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, việc ăn uống không quan trọng. Cỗ bàn linh đình lãng phí. Điều quan trọng là tấm lòng, là tình cảm sau ngày cưới, là tình cảm hai họ. Có như vậy người phát "thiệp hồng" cũng như người nhận "thiệp hồng" mới không nơm nớp lo (?).

Nguyễn Đức Hoè

Đọc thêm