Tan nát hạnh phúc gia đình chỉ vì coi "vợ như cái áo"

Có những người đàn ông mà với anh ta, vợ chỉ là “cái áo” còn “đấng tối cao” trên đầu chỉ có duy nhất người mẹ. Vì thế, chỉ cần nàng dâu dám làm mẹ chồng buồn thì cũng là cái cớ để anh ta đệ đơn ly hôn. Tình tiết của vụ án theo Bản án số 19/LHST của tòa án nhân dân huyện TT – HN là một ví dụ.

“Nhất vợ nhì trời” – câu nói vui vẻ đó thường được gán cho cách ứng xử của người đàn ông đã có gia đình. Nhưng cũng có những người đàn ông mà với anh ta, vợ chỉ là “cái áo” còn “đấng tối cao” trên đầu chỉ có duy nhất một người mẹ. Vì thế, chỉ cần nàng dâu dám làm mẹ chồng buồn thì cũng là cái cớ để anh ta đệ đơn ly hôn. Tình tiết của vụ án theo Bản án số 19/LHST của tòa án nhân dân huyện TT – HN là một ví dụ. 
Rất nhiều người đàn ông đã đánh mất hạnh phúc gia đình chỉ vì không hòa giải được mâu thuẫn của mẹ và vợ
Rất nhiều người đàn ông đánh mất hạnh phúc gia đình chỉ vì không hòa giải được mâu thuẫn giữa mẹ và vợ
Không phải chỉ đến năm 18 tuổi, chị Thư mới biết anh Hùng. Vừa chớm dậy thì, chị đã biết e thẹn khi mỗi lần đi qua ngõ nhà bà An, Hùng - anh con trai một của nhà này - cứ như đã đứng chờ sẵn từ bao giờ, và ngây người ra nhìn chị. Thế rồi, họ yêu nhau lúc nào chẳng rõ, vừa đủ 18 tuổi, chị Thư dắt bạn trai về nhà ra mắt bố mẹ, đồng thời xin phép để hai gia đình được đi lại. Cũng chỉ dăm bữa nửa tháng sau, một đám cưới tưng bừng của làng quê nghèo đã diễn ra. 
Bà An sinh được bốn cô con gái, "cầu cạnh" mãi mới có đứa con trai khi bà đã gần 50 tuổi. Hai mươi năm có lẻ, bà chỉ mong chờ ngày con khôn lớn để được cưới về một nàng dâu. Khi Hùng chỉ cho bà cô gái con nhà ở xóm trên, nhìn dáng người thắt đáy lưng long, theo các cụ thì “vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con” nên bà cũng chẳng chê bai gì. Chỉ hiềm một nỗi, gia đình bên đó không được “môn đăng hộ đối” cho lắm. Bà những mong sau khi được “gả bán”, nàng dâu sẽ theo sự chỉ bảo cho ra phép tắc nhà bà. 
Ngay từ khi bước chân qua ngưỡng cửa buồng cưới, bà An đã níu tay con dâu lại, đưa cho con chùm chìa khóa “lấy hèm”, và mấy lời răn dạy sắc như dao. Những lời nói sắc sảo của bà đã đạt được mong muốn, tạo uy lực của mẹ chồng với nàng dâu mới. Nhưng những câu nói sắc sảo ấy cũng “cắt” đi sự thân thiện cô con dâu muốn có được từ người mà mình sẽ gọi là mẹ, mong được nương nhờ ẩn náu trong lòng bà. Cũng từ khi đó, mẹ chồng càng tỏ ra uy quyền bao nhiêu thì khoảng cách mẹ chồng nàng dâu càng xa cách bấy nhiêu. 
Cưới nhau chưa được bao lâu, Hùng theo anh em trong làng ra thành phố làm thợ. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại mẹ chồng nàng dâu. Thư như cái bóng trong ngôi nhà hiu quạnh, đi làm thì chớ, về đến nhà là cô khép mình, len lén trong xó buồng.
Vốn là người giảo hoạt, sự khép nép này của Thư càng làm gai mắt mẹ chồng. Chẳng biết từ khi nào, bà quy cho Thư cái tội “sống không đàng hoàng, gian dối”. Mỗi lần con trai đi làm về, thay cho sự vui mừng, bà ngồi trên chiếc sập gụ ở gian giữa, mặt như cái lệnh, chỉ tay cho con trai, con dâu ngồi hai ghế hai bên, và bắt đầu kể cho con trai những chuyện “hỗn hào, láo lếu của con vợ mày”. 
“Núp váy” mẹ từ bé, lại chưa bén hơi vợ, Hùng “thấm” từng lời kể tội của mẹ. Nhìn thái độ im lặng, cam chịu của vợ, anh nghĩ đó là sự thú nhận. Không một lời hỏi han, Hùng mặc nhiên coi vợ là một kẻ gian dối trong nhà.
Tình cảm đôi vợ chồng son chưa kịp mặn nồng đã nhạt dần đi theo từng lần mẹ chồng kể tội nàng dâu. Kể cả khi đứa đầu lòng chào đời cũng không làm giảm đi sự lạnh lẽo trong gia đình. Một hôm, chỉ vì nàng dâu nghĩ mẹ chồng răng yếu, hầm riêng cho mẹ một bát canh chân giò, còn mình, luộc sơ mấy chiếc móng ăn cho qua bữa. Khi đến tai Hùng, nó đã thành chuyện: “Tao chưa già yếu mà vợ mày đã khinh tao. Nó chê tao bẩn, nó cho tao ăn riêng một bát. Hay là nó gian dối, nó chọn miếng ngon cho nó, còn xương xẩu nó bắt tao ăn?”.
Dù Thư có thanh minh, có giãi bày thế nào, Hùng vẫn im lặng lạnh lùng. “Kiếp sau có làm dâu, kiếp sau nữa vẫn làm kiếp đàn bà, em vẫn sẽ làm như thế nếu em tôn trọng, và thực lòng yêu thương mẹ chồng”. Thư chỉ biết nói trong tuyệt vọng như thế khi chồng chị nhìn vợ bằng ánh mắt có lửa, câu nói duy nhất anh dành cho vợ là: Cô đã có tội khi làm cho mẹ tôi buồn.
Dù cho tình phu thê có nhạt nhẽo, những ngày xa chồng, trong ngôi nhà lạnh, Thư vẫn dành trọn nỗi lo lắng về Hùng. Có lần, Thư trót thổ lộ với mẹ chồng: “Xã hội bây giờ nhiều cạm bẫy, con chỉ sợ lỡ đứa nào bỏ bùa mê thuốc lú cho anh ấy, lỡ nó cho tí ma túy vào điếu thuốc mời chồng con hút”. Chỉ là nỗi niềm của người vợ lo cho chồng, vậy mà qua tai mẹ, rồi đến tai chồng, nó bỗng thành: “Mày dám dọa mẹ tao. Mày biết mẹ tao chỉ có mình tao, mẹ lo lắng cho tao nên mày dọa để mẹ tao lo sợ mà chết sớm”.
Đã nhiều lần, Thư dọn khăn áo về nhà mẹ đẻ, nhưng được sự khuyên bảo của gia đình, lại thêm lời Hùng ngọt nhạt dụ dẫn, Thư vẫn tiếp tục quay về với Hùng, cam chịu kiếp làm dâu cay nghiệt. 
Nhưng rồi một ngày, bà An sai con dâu đi bón lúa. Khi Thư về, bà An hỏi: “Đã bón hết chưa?”. Nghĩ mẹ chồng hỏi đã bón hết lúa chưa, nên Thư trả lời đã hết. Dứt lời, khi Thư vừa rửa chân tay từ giếng lên, định vào buồng thay quần áo, đã thấy mẹ chồng đứng chống nạnh giữa hiên, dưới chân bà là gói đạm tung tóe và chiếc nón của Thư bị xé nát bươm. “Đây là cái gì?. Mày định ăn bớt đạm của nhà tao để về cho bố mẹ mày à?”. Rồi không kịp để Thư thanh minh, bà lu loa cho hàng xóm đến làm chứng cho thói “gian dảo” của con dâu, và lập tức đuổi Thư về nhà mẹ đẻ. 
Ngày hôm sau, Thư thấy bóng Hùng trên đường làng. Thư nhắn người hàng xóm nhà chồng hẹn gặp Hùng, cô những mong một lần nữa được nói lên điều oan uổng. Trả lời cho sự mong đợi của cô, người hàng xóm mang đến gói quần áo, đồ đạc mà mẹ con cô còn để lại nhà chồng do chính tay Hùng lượm lặt, gói ghém. Cùng lá đơn ly hôn Hùng đã ký sẵn.
Không một chút tiếc nuối, Thư ký tên vào phần giành cho mình, đồng thời từ chối những cuộc hòa giải của mọi người. 
Còn Hùng, anh nói với vị cán bộ tòa án làm công tác hòa giải: “Không vợ này thì vợ khác, không con này thì con khác, thiếu gì. Vợ như chiếc áo, mặc vào rồi cởi ra. Còn mẹ, tôi chỉ có một mẹ. Mẹ tôi khó nhọc lắm mới đẻ được tôi, giờ mẹ tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, thà bỏ vợ, chứ tôi không thể làm mẹ tôi buồn”.
Bản án thuận tình ly hôn của Thư và Hùng được ký trong sự tiếc nuối của nhiều người. Giá như Hùng là người đàn ông biết phải trái, giá như Hùng vừa biết cách làm người con có hiếu với mẹ, vừa là người chồng, người cha bao dung, độ biết che chở cho vợ con, thì sẽ không có một gia đình bị tan nát, một đứa bé bị sống trong cảnh bố mẹ chia lìa. Chắc chắn, sau này sẽ có lúc Hùng nuối tiếc, và nhận ra rằng, bỏ vợ  không phải là cách duy nhất để báo hiếu với công mang nặng đẻ đau của mẹ. Nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Nhật Thanh

Đọc thêm