Nơi đã sinh ra bóng đá hiện đại ấy là một sân cỏ nằm giữa trung tâm thành phố Cambridge. Thành phố này vốn nổi tiếng với trường đại học Cambridge lâu đời và lừng danh nhất thế giới, có lịch sử 800 năm và sở hữu tới 81 giải Nobel.
Nhưng Cambridge lại chẳng có đội bóng nào được biết đến như Manchester United, Liverpool hay Arsenal thậm chí “bé hạt tiêu” như Wigan. “Một nơi có vẻ như “vùng trũng” về bóng đá ở xứ sở sương mù thế mà lại chính là nơi khai sinh ra bóng đá được sao?” - Tôi đi giữa sân cỏ trung tâm thành phố Cambridge và tự hỏi như vậy.
Sân cỏ rộng, trải ra một màu xanh mượt, trên đó từng đàn bồ câu tự nhiên kiếm mồi ngay dưới những bước chân người qua lạiCó một con đường mòn chạy qua, và ở giữa người ta căng dây để xây một trung tâm giải trí, sân cỏ này có vẻ như giống với rất nhiều sân cỏ khác ở Anh quốc, nhưng xem ra chẳng tìm thấy vét tích nào chứng tỏ bóng đá hiện đại đã được sinh ra ở đây. Tôi đi một vòng quanh sân và nhìn thấy một tấm biển bằng đá màu đen được gắn trên một gốc cây ven sân. Tấm biển đề: “The birthplace Footbal” (Nơi sinh ra bóng đá).
Tấm biển đã kể ngắn gọn “sự tích” ra đời bóng đá hiện đại. Nơi đây năm 1800, sinh viên đã thiết lập ra một luật chơi bóng đá đối kháng chung, trong đó cấm các cầu thủ trên sân (trừ thủ môn) dùng tay bắt bóng và xô đẩy, chèn ngã đối phương. Luật chơi đó của sinh viên trường Cambridge đã gắn chặt và tác động đến với sự ra đời của Liên đoàn bóng đá Anh.
Năm 1863, một người đàn ông tên là Ebenezer Cobb Morley đã viết trên tờ Bells Life đề nghị thành lập một tổ chức cho môn thế thao được gọi là bóng đá. Việc này dẫn đến cuộc gặp gỡ đầu tiên ở trung tâm thủ đô London để sáng lập ra Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và chính bởi thế, FA “đoạt danh hiệu” là liên đoàn bóng đá đầu tiên trên thế giới.
Ông Cobb Morley đã dựa vào những nguyên tắc chơi bóng đá của sinh viên trường Cambridge để viết ra dự luật đầu tiên cho môn bóng đá hiện đại. Dự luật đó được FA thông qua và từ đó phổ biến khắp thế giới.
Tấm biển ghi lịch sử ra đời bóng đá hiện đại trông khiêm nhường đến nỗi rất khó nhận ra nó. Cả sân cỏ cũng chìm trong bầu không khí tĩnh lặng, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng vỗ của cánh chim bồ câu. Ngày xưa, những sinh viên trường Cambridge có lẽ cũng chơi bóng đá trong sự yên bình đó, nhưng môn thể thao mà họ khai sinh ra dường đã làm trái đất “nóng” lên bởi sự cuồng nhiệt của hàng tỷ tín đồ túc cầu giáo, bởi máu và lửa trên các sân vận động theo đúng nghĩa đen của từ này.
“Nơi sinh ra bóng đá” – di tích ở một góc sân cỏ thành phố Cambridge trong buổi sáng hôm ấy có vẻ như “xát thêm muối” vào nỗi đau của người Anh khi đất nước sản sinh ra bóng đá hiện đại đã không giành được quyền đăng cai World Cup 2018.
Những sinh viên của trường Cambridge có vẻ như không tiếp nối được truyền thống của những bậc tiền bối đã sinh ra túc cầu giáo bởi vì môn thể thao ưu thích nhất của họ là đua thuyền trên sông Cam chứ chẳng phải là chơi bóng đá.
Và sân cỏ, nơi có tấm biển “The birthplace Footbal”, vào sáng thứ 7, Chủ nhật lại có những sinh viên Việt Nam hẹn nhau ra đó chia làm hai đội để… chơi bóng đá.
Phùng Nguyên