Tận thu…

Phương án thu phí bảo trì giao thông qua giá xăng vừa được Tổng cục Đường bộ đưa ra làm dư luận xã hội nóng lên. Lý do, theo Tổng cục Đường bộ, hiện tổng chiều dài các loại đường bộ Việt Nam là 286.684 km. Mỗi năm kinh phí Nhà nước chỉ duy tu được 1000 km đường bộ

 Phương án thu phí bảo trì giao thông qua giá xăng vừa được Tổng cục Đường bộ đưa ra làm dư luận xã hội nóng lên. Lý do, theo Tổng cục Đường bộ, hiện tổng chiều dài các loại đường bộ Việt Nam là 286.684 km. Mỗi năm kinh phí Nhà nước chỉ duy tu được 1000 km đường bộ, 10.000 m mặt cầu và các đường hướng tâm ở các khu đô thị lớn. Kinh phí duy tu luôn ở tình trạng giật gấu vá vai. Nếu thu phí 1000  đồng theo giá 1 lít xăng, có thể có 6000 tỷ đồng để làm phí duy tu đường bộ, sửa chữa và nâng cấp đường sá.

Phương án của Tổng cục Đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ, nhưng không được dư luận xã hội đồng tình. Theo ý kiến của các chuyên gia vận tải, trên thực tế, từ lâu nay các chủ phương tiện cơ giới phải chịu phí đường bộ 1000đ/lít xăng, 500đ/lít điêden, 300đ/lít dầu hoả, madút và các loại thuế và phí khác như thuế trước bạ,các loại phí qua trạm…Tất cả loại phí này đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh vận tải và đời sồng tiêu dùng của nhân dân.Trong khi đó, chất lượng các công trình giao thông vận tải ngày càng xuống cấp, nạn kẹt đường, kẹt xe thường xuyên diễn ra gây thiệt hại nặng về kinh tế và là nỗi bức xúc triền miên của người dân. Việc đề xuất thu thêm phí 1000 đồng/lít xăng ,vì thế phải được xem xét một cách thấu đáo

Trong điều kiện đất nước chưa hoàn toàn vượt qua khủng hoảng, phải phấn đầu bảo đảm duy trì sự tăng trưởng ổn định, kiềm chế lạm phát, một chính sách chưa đúng rất dễ gây phản tác dụng. Việc Nhà nước kiềm chế tăng giá điện, giá xăng là một chủ trương đúng, các ngành khác cần coi đó làm gương. Đừng lấy việc “tận thu” trên sức dân bằng mọi giá để bù vào những nguồn kinh phí thiếu hụt của ngân sách bằng cách đơn giản nhất: thò tay vào túi người tiêu dùng. Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong nhiều hoạt động, nhưng một chính sách dù kinh tế hay xã hội, điều tối quan trọng là sát với thực tế, phù hợp quy luật phát triển và “phải khoan sức dân” để lấy đó là kế sách lâu dài cho sự phát triển bền vững./

Dương Trọng Dật

Đọc thêm