Đang điều khiển xe cứu thương thì lái xe Hà Duy Huy (SN 1984 tại Yên Lập, Phú Thọ) gặp 1 người đi xe đạp chuyển hướng vào làn xe cơ giới. Tuy Huy đã đạp phanh nhưng do khoảng cách gần nên vụ va chạm vẫn xảy ra làm người điều khiển xe đạp tử vong. Cho rằng đây không phải là “sự kiện bất ngờ”, TAND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tuyên phạt Huy 3 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Quan điểm sai lầm về “Chướng ngại vật”
Chiều 3/6/2012, nhận được lệnh điều động của Công ty CP và ĐT Vương Ngọc Anh, Huy đã lái xe cứu thương đưa một bệnh nhân cấp cứu từ Phú Thọ về Hà Nội. Khoảng 15h thì xe chạy đến địa phận thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đây là đoạn đường thuộc quốc lộ 2A, có 2 chiều đường được ngăn cách bởi dải phân cách cứng. Mỗi chiều đường có 3 làn xe, trong đó thì làn giữa và làn trong cùng (giáp dải phân cách cứng) dành riêng xe cơ giới.
|
Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn không có lỗi rẽ sang đường. |
Khi đến Km24+ 300, Huy cho xe chạy ở khoảng giữa 2 làn xe cơ giới thì gặp bà Nguyễn Thị Vĩnh (SN 1952, trú tại TT Hương Canh) đi xe đạp cùng chiều phía trước chuyển hướng từ làn đường giữa vào làn đường trong cùng. Do khoảng cách gần nên Huy không thể dừng xe kịp thời, làm xe ô tô đã đâm vào bà Vĩnh khiên nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.
Sau quá trình bị khởi tố, truy tố và xét xử, Huy đã bị TAND huyện Bình Xuyên xử phạt 3 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) huyện Bình Xuyên cho rằng, khi cách bà Vĩnh khoảng 30-40m, Huy đã thấy bà Vĩnh có dấu hiệu chuyển hướng từ làn đường giữa vào làn đường trong nhưng không giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn).
Hành vi này được cho là đã vi phạm quy định tại Điều 5, Thông tư 13/2009 của Bộ GTVT: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường”.
Như vậy, các CQTHTT huyện Bình Xuyên đã coi bà Vĩnh là “chướng ngại vật” khi bà này đang di chuyển từ làn đường giữa và làn đường trong (đi sang đường, xiên từ trái qua phải). Nhưng theo một số chuyên gia thì mặc dù Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) không quy định rõ thế nào là chướng ngại vật nhưng cần phải hiểu rằng, chướng ngại vật trong lĩnh vực GTĐB phải là các vật (hoặc người) bất động nằm trên đường bộ gây cản trở hoạt động giao thông.
Cùng quan điểm này, Luật sư Vũ Đình Trung (Phú Thọ) cho rằng, không thể coi bà Vĩnh là “chướng ngại vật” vì khi xe của Duy đi tới thì bà này đang di chuyển ở làn đường khác chứ không “án ngữ” ở cùng làn đường với xe ô tô của Duy. Nếu HĐXX coi một xe di chuyển với tốc độ thấp hơn ở làn đường khác là “chướng ngại vật”, cần dừng lại một cách an toàn thì lái xe chỉ còn cách “đứng im” mỗi khi ra đường.
Có phải là “sự kiện bất ngờ”?
Rõ ràng, bà Vĩnh đã đi sai làn đường (chiếm phần đường xe cơ giới) và sang đường ở nơi có dải phân cách cứng (không được phép rẽ). Nếu coi bà Vĩnh là “chướng ngại vật”, tại sao CQTHTT huyện Bình Xuyên lại không kết luận rõ, “chướng ngại vật” này xuất hiện trên đường có hợp lý, hợp pháp hay không?.
Cần nhắc rằng, Luật GTĐB “nghiêm cấm hành vi đặt, để các chướng ngại vật trái phép trên đường”. Thậm chí, nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng thì người đã “đặt trái phép chướng ngại vật” còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cản trở giao thông đường bộ” (Điều 203 BLHS).
Bản án sơ thẩm cũng chỉ đề cập đến lỗi “đi sai làn đường” của bà Vĩnh mà không đả động đến lỗi “chuyển hướng rẽ trái tại nơi không được rẽ”. Trong trường hợp này, mặc dù chỉ chạy khoảng 75 km/h (trên đường được phép chạy 80 km/h) thì liệu Huy có đủ thời gian để dừng xe an toàn khi mà bà Vĩnh chuyển hướng sai ở vị trí cách đầu xe ô tô 30m- 40m?.
Tuy khoảng cách này được VKSND huyện Bình Xuyên thừa nhận trong cáo trạng là “khoảng cách gần” nhưng vô lý ở chỗ, cơ quan này vẫn buộc Duy phải “dừng xe an toàn” trước bà Vĩnh để tránh vụ tai nạn.
Luật sư Trung cho hay, Bộ GTVT quy định, “khi lưu thông với tốc độ từ 60 km đến 80 km/h thì khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới trên đường là 50m. Điều này có nghĩa, 50m là khoảng cách tối thiểu với xe cơ giới phía trước để lái xe có thể xử lý hoặc dừng xe an toàn. Còn phía trước là xe thô sơ (có tốc độ thấp) thì khoảng cách trên phải lớn hơn 50m rất nhiều. Vậy thì với khoảng cách dưới 40m thì làm sao, lái xe Duy có thể dừng xe an toàn để tránh việc va chạm với bà Vĩnh?”.
LS Trung còn cho rằng, lái xe Duy không thể và không buộc phải biết trước về việc bà Vĩnh sẽ rẽ trái sai vị trí trong trường hợp này. Đây được coi là “sự kiện bất ngờ” và Duy phải được loại trừ việc xem xét trách nhiệm hình sự vì không có lỗi trong vụ tai nạn này.
Rất tiếc, Duy vẫn bị quy lỗi trong vụ tai nạn này và bị tuyên án 3 năm tù theo khoản 2, Điều 202 BLHS (vì thời điểm đó, Duy chờ đổi, cấp GPLX mới trong khi GPLX cũ hết hạn).
Khoa Lâm