Tăng cường an ninh trật tự tại các lễ hội xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau Tết là đến thời điểm rộn ràng của các lễ hội trên cả nước. Ngay từ đầu năm, lượng người đổ về các lễ hội, danh thắng… tăng đột biến so với những năm trước. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi du khách.
Đông đảo người dân đổ về miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương) tham gia lễ rước kiệu Bà.
Đông đảo người dân đổ về miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương) tham gia lễ rước kiệu Bà.

Khách tham quan lễ hội tăng đột biến

Năm nay, các lễ hội, đền chùa chứng kiến lượt khách tham quan tăng đột biến so với các năm trước. Trải qua một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều lễ hội lớn mới được tái hoạt động, người dân cũng trở lại với cuộc sống thường nhật. Thế nên việc đông đảo lượng khách tham quan đền chùa, lễ hội cũng là điều dễ hiểu.

Tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), từ mùng 1 Tết, lượng du khách đổ về đã đông nghìn nghịt. Trong những ngày Tết, mỗi ngày trung bình miếu Bà đón hơn 65.000 lượt khách. Cho đến thời điểm này, dù đã qua rằm tháng Giêng nhưng lượng người đổ về miếu Bà vẫn không giảm sút bao nhiêu. Ước tính từ đầu năm đến nay có vài trăm ngàn lượt du khách đến viếng miếu Bà.

Tại chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một, Bình Dương), lượng du khách đến từ đầu năm đến nay cũng được thống kê là đông nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Ban Tổ chức Lễ hội Rằm tháng Giêng thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, từ đêm giao thừa đến tối ngày 31/1 (tức mùng 10 Tết) đã có hơn 100.000 khách thập phương đến viếng. Số lượng khách không giảm đi sau mùng 10 mà thậm chí còn tăng đột biến khi đến gần thời điểm diễn ra nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Rằm tháng Giêng là Lễ cúng vía Bà và Lễ rước kiệu Bà diễn ra từ ngày 14 (âm lịch) đến hết ngày rằm. Năm nay, các nghi lễ rằm rơi vào ngày Chủ nhật (5/2) nên số lượng khách càng đông đảo hơn bao giờ hết. Được biết, thời điểm Lễ rước kiệu Bà diễn ra, đã có hàng ngàn người dân gồm người bản địa, dân các khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ đổ về tham dự.

Một lễ hội mùa xuân nổi tiếng bậc nhất là Lễ hội Xuân núi Bà (núi Bà Đen, Tây Ninh). Lễ hội Xuân núi Bà là nơi diễn ra những nghi thức trang nghiêm bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu thiêng liêng, nơi du khách thập phương tấp nập ghé đến để cầu cho một năm mới bình an, sung túc. Đây là lễ hội được người dân Tây Ninh và những khu vực lân cận háo hức chờ đón trong năm.

Hội xuân núi Bà năm 2023 đã chính thức khai mạc vào tối 25/1 (mùng 4 Tết). Chỉ trong ngày khai mạc đã có đến 160 ngàn du khách các nơi đến tham dự. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 1 triệu lượt du khách đến tham quan, hành hương tại núi Bà Tây Ninh.

Tại TP HCM, thời điểm trước và trong Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, đường phố khu người Hoa tại TP HCM đông nghẹt người. Đặc biệt là tại các di tích chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Nghĩa An - chùa Ông, Miếu bà Hải Nam... Tại các khu vực này diễn ra các hoạt động đặc sắc như tục cúng nhang vòng, dâng dầu đèn cầu an, lễ diễu hành "Quan Thánh Đế xuất du" và nhiều các chương trình nghệ thuật...

Cẩn trọng kẻ gian trà trộn

Có thể thấy, tại những danh thắng, điểm diễn ra lễ hội cũng là nơi diễn ra nhiều hành vi trộm cắp, bắt chẹt… du khách. Tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhiều du khách đã phản ánh thực trạng nói thách, “bẫy” tiền của du khách trước cổng miếu Bà.

Chị L.T.T.T. (ngụ Bình Thuận) cho biết, lần đầu cùng bạn bè đi viếng Bà ở miếu Bà Chúa Xứ, do thiếu kinh nghiệm, nhóm của chị đã bị một nhóm người bán trước cổng miếu Bà thuyết phục mua đồ lễ với giá gần 1 triệu bao gồm một số loại trái cây, nến, nhang... Sau khi cúng lễ xong, chị T tham khảo giá thì biết gói đồ lễ như trên trung bình chỉ có... 200 - 300 ngàn đồng.

Cạnh đó, tại các điểm diễn ra lễ hội đông đúc cũng là thời cơ để những kẻ trộm cắp lộng hành. Chỉ trong thời gian từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ khi trà trộn tại các đến chùa, lễ hội để móc túi, lấy các tài sản giá trị của du khác như tiền, vàng bạc, điện thoại di động…

Rút kinh nghiệm của nhiều mùa lễ hội trước, năm nay, nhiều địa điểm tổ chức lễ hội đã tăng cường các biện pháp bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, Ban Trị sự chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương đã hợp đồng với đơn vị bảo vệ để giữ gìn an ninh trật tự từ bên ngoài cổng và trong khu vực chùa. Cạnh đó còn có khoảng 60 người tình nguyện, lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên của thành phố Thủ Dầu Một… túc trực giữ gìn trật tự bên ngoài, hướng dẫn du khách, hỗ trợ phát nhang, phát lộc miễn phí và nhắc nhở du khách không đốt vàng mã tránh gây ô nhiễm môi trường.

Tại khu di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Ban Quản trị Lăng miếu đã tăng cường hơn 100 người làm công tác hướng dẫn, bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh khu vực, kiểm soát an ninh, ngăn chặn tệ nạn nhằm bảo đảm an toàn và những trải nghiệm tốt cho du khách.

Tuy các điểm tổ chức lễ hội đã có lực lượng bảo vệ, hướng dẫn nhưng do lượng người quá đông vẫn không tránh khỏi sơ suất. Ban Tổ chức các lễ hội đã khuyến cáo người dân luôn cẩn thận bảo vệ tài sản, đề cao cảnh giác, tránh bị kẻ gian lừa đảo, “chặt chém”...