Giải quyết 1.072.451 vụ án các loại
Trong 3 năm qua, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng gia tăng; thẩm quyền của các Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều các năm trước, tính chất các vụ việc thì ngày càng phức tạp. Đây cũng là thời điểm nhiều văn bản luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của các Tòa án được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương về cải cách tư pháp cũng như tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra, hệ thống TAND cả nước đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 3 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ.
Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội, trong 3 năm qua chỉ có 02 trường hợp bị kết án oan, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bên cạnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chống oan, sai và bồi thường cho người bị oan, các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị đối với các trường hợp bị xét xử từ nhiều năm trước nhưng có đơn kêu oan và đã minh oan cho một số trường hợp, qua đó đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Toà án phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để sớm hoàn tất hồ sơ vụ án và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng giải quyết, đặc biệt tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt khoảng 50% số vụ án phải giải quyết.
Một số hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của những năm trước, như: cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thiếu căn cứ hay là việc còn nhiều vụ án tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự… đã được các Tòa án quan tâm khắc phục có hiệu quả.
Các giải pháp đồng bộ
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đề ra, các giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân;
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các Tòa án; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng…
Những giải pháp này nổi trội nhất là tăng cường tính công khai minh bạch, tạo cơ chế thuận lợi để nhân dân giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Từ ngày 18/7/2017 khai trương Trang thông tin điện tử Công bố bản án, quyết định của Tòa án vào hoạt động đến nay, đã có gần 3.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án được đăng tải, tổng lượng truy cập gần 500.000 lượt và đã có 185 ý kiến bình luận, góp ý đối với 302 bản án, quyết định.
Hoặc việc thay đổi cách thức tổ chức phiên tòa được nhân dân quan tâm, ủng hộ vì đề cao quyền con người, quyền công dân. Từ 1/1/2018, tại các phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm sẽ không sử dụng vành móng ngựa mà thay vào đó là bục khai báo; đại diện VKSND cũng sẽ ngồi ngang hàng với Luật sư, người bào chữa; những phiên tòa dân sự, phiên tòa liên quan đến người chưa thành niên được bố trí thân thiện và nhân văn hơn…
Với những giải pháp đồng bộ trên đây cùng với quyết tâm của cả hệ thống, nhân dân cả nước có thêm niềm tin tưởng rằng Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, với những bản án khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.