|
Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Mỹ Lộc cập nhật thông tin phục vụ công tác xây dựng lịch sử đảng bộ cơ sở.
Ảnh: Xuân Thu
|
Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị 14-CT/TU của Ban TVTU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng", 5 năm qua, cấp uỷ các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác biên soạn xuất bản lịch sử Đảng. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác lịch sử Đảng. Từ tháng 4-2006, các xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, mỗi đơn vị được tỉnh hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, một số huyện cũng hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Các huyện Xuân Trường, Trực Ninh hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 5 triệu đồng, huyện Nam Trực hỗ trợ 2 triệu đồng… Trong 5 năm (2005-2010), tiến độ sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng trong tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sưu tầm, biên soạn, xuất bản 2 cuốn sách: "Đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định", "Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Nam Định (1930-2005)" và đang tích cực triển khai biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định (1975-2005). Đảng bộ các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Đảng bộ Khối Dân chính Đảng, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp đã xuất bản lịch sử Đảng bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 219/229 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ; trong đó 194 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương đến năm 2000 hoặc 2005. Tiêu biểu là các đảng bộ: Thành phố Nam Định, các huyện Xuân Trường, Hải Hậu đạt 100%; các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Mỹ Lộc đạt hơn 90% xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 2000 hoặc 2005. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã có gần 200 ấn phẩm lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống được xuất bản. Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử đã thu hút được đông đảo các cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt và các nhân chứng lịch sử tham gia góp ý, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị. Các bản thảo trước khi xuất bản đều tổ chức hội thảo lấy ý kiến thẩm định, đánh giá khách quan nên nội dung đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính tổng kết cao; rút ra được những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng; phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cũng được các cấp, các ngành, đoàn thể chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú. Lịch sử Đảng bộ tỉnh, đảng bộ các địa phương đã được đưa vào giảng dạy trong các trung tâm bồi dưỡng chính trị, các trường trung học và trường dạy nghề trong tỉnh. Các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về đất nước, Bác Hồ, cố Tổng Bí thư Trường Chinh; đặc biệt là cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhiều bài dự thi xuất sắc giành giải cao tại các cuộc thi khu vực và toàn quốc. Nhiều đơn vị trong tỉnh còn tổ chức các cuộc hành hương, đi thăm các di tích lịch sử cách mạng, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, toạ đàm, hội thảo, nói chuyện về truyền thống cách mạng… vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước… đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về lịch sử vẻ vang hào hùng của Đảng, của dân tộc, của Bác Hồ kính yêu và quê hương Nam Định…
Tuy nhiên, tiến độ sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ nhìn chung còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, số lượng các ngành và đoàn thể của tỉnh xuất bản lịch sử Đảng còn ít. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc lấy ý kiến đóng góp vào bản thảo nên chất lượng chưa cao. Một số ấn phẩm lịch sử còn nặng về kể lể, liệt kê sự kiện, chưa rút ra được bài học lịch sử trong quá trình đấu tranh và lãnh đạo của đảng bộ… Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống của tỉnh phát huy hiệu quả phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống. Đối với các đơn vị, địa phương chưa hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử cần tập trung chỉ đạo và có nhiều biện pháp tổ chức thực hiện tích cực để nhanh chóng hoàn thành dứt điểm. Đối với các đơn vị đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đặc biệt hướng tới thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các địa phương đơn vị phải thường xuyên cập nhật các sự kiện lịch sử để có tài liệu phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử giai đoạn sau./.