Ông Nguyễn Trí Tổng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phần nói về đổi mới công tác cán bộ, tôi rất tâm đắc và đồng tình việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, nhất là đổi mới tư duy, cách làm và khắc phục yếu kém trong từng khâu, có chế tài xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất… Đây cũng là một bước bổ sung, phát triển có liên quan đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bởi hầu hết cán bộ đều là đảng viên.
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Đảng đã chăm lo tuyển chọn, giáo dục và rèn luyện một đội ngũ cán bộ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đâu đó đã và đang bộc lộ những sai lầm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, tạo kẽ hở cho một bộ phận cán bộ sa sút phẩm chất, đạo đức và lối sống, làm giảm uy tín trong nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng này, tôi rất đồng tình trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 ở điểm 6 Chương XII đã nêu là hoàn toàn chính đáng và phù hợp trong công tác cán bộ đối với đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH.
Về việc đổi mới công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, tôi xin đề xuất ý kiến bổ sung thêm việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ ở cấp trực tiếp với dân khi thực thi nhiệm vụ, và luôn luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ qua khâu thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở (theo Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng khóa IX0, thông qua dân, dựa vào dân để làm công tác cán bộ. Trong Dự thảo có nêu: Xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tôi thấy chưa đủ, mà phải có cả cán bộ cấp chiến dịch và cấp chiến thuật nữa mới hoàn chỉnh.
Thực tế, cán bộ ở cấp cơ sở, cấp chiến thuật là những người trực tiếp đem chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện; họ sát dân, gần dân và hiểu dân hơn cán bộ cấp chiến dịch và cấp chiến lược. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm 2010 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30-9-2010 đã cho thấy, trong 253 vụ truy tố với 631 bị can, cán bộ cấp xã, phường chiếm hơn 30%; cán bộ cấp quận, huyện hơn 22%; cấp tỉnh, thành phố hơn 13%; cấp Trung ương chỉ 0,3%.
Điều đó phản ánh rõ cán bộ vi phạm ở cấp chiến lược rất ít, cấp chiến dịch, chiến thuật nhiều nên không thể chỉ xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mà không quan tâm xây dựng quy hoạch đồng bộ đến cán bộ cấp chiến dịch, chiến thuật. Có vậy mới thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ, máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Tôi nhận thấy điều quan trọng có ý nghĩa quyết định trong thời kỳ quá độ lên CNXH đối với công tác cán bộ là phải xây dựng quy hoạch cán bộ tổng thể, nâng cao chất lượng là chính, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ các cấp một cách chặt chẽ.