Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 50 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được cấp phép thường xuyên sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng số lượng lớn vật liệu nổ công nghiệp, với sản lượng hơn 70 tấn/năm. Đây cũng là đơn vị có số lượng công nhân, người lao động thường xuyên sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vào hoạt động đào phá đá, phục vụ khai thác than.
Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ đã quy định khá đầy đủ, chi tiết về công tác quản lý, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ.
Trong nhiều năm qua, các đơn vị ngành Than có hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp đều ban hành quy trình, quy định về công tác khoan nổ mìn; bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp, để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, nguy cơ thất thoát, cháy nổ.
Dù vậy, các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong ngành Than vẫn tiềm ẩn phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2020, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 4 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ liên quan đến công nhân ngành Than.
Qua các vụ việc cho thấy công tác quản lý vật liệu nổ tại một số đơn vị ngành Than còn sơ hở, bất cập. Có vụ việc mất, thất lạc vật liệu nổ nhưng không được báo cáo kịp thời đến cơ quan Công an, dẫn đến công tác điều tra, truy xét gặp khó khăn. Công tác quản lý, bảo vệ, giao nhận, vận chuyển và thu hồi vật liệu nổ công nghiệp sau khi nổ chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công nhân viên về tính chất nguy hiểm của việc tàng trữ trái phép vật liệu nổ còn hạn chế.
Nhận thức rõ tính chất quan trọng của công tác bảo đảm an toàn trong quản lý, vận chuyển, giao nhận vật liệu nổ, đặc biệt là trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, dịp Tết Nguyên đán như hiện nay, công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các tổ công tác bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thường xuyên sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tăng cường quản lý chặt chẽ, phòng tránh mất mát, thất lạc vật liệu nổ.
Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, để cán bộ, công nhân viên ngành Than nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa ngăn chặn các nguy cơ xảy ra mất an toàn, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào, bảo vệ tuyệt đối an toàn hệ thống kho chứa vật liệu nổ, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh với hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Góp phần nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ vật liệu nổ trái phép.