Phát biểu khai mạc buổi nói chuyện, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam -Thụy Điển nhấn mạnh, buổi nói chuyện nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển trong năm 2024 kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thụy Điển. Đây là dịp để ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển, giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển và các đối tác, bạn bè Thụy Điển; đặc biệt là những việc làm, tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam và người dân Thụy Điển dành cho nhau trong suốt chặng đường 55 năm qua. Đồng thời buổi nói chuyện cũng là diễn đàn để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên, giảng viên trẻ để tiếp tục trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và tìm kiếm cơ hội để học tập tại đất nước Thụy Điển nhân hậu, mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc. |
Phát biểu tại buổi nói chuyện, bà Ann Mawe, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Thụy Điển và Việt Nam là bạn bè và đối tác thân thiết, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Ngày 11 tháng 1 năm 1969, vào thời điểm cao trào của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thụy Điển trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày nay, mối quan hệ của hai nước tập trung vào thương mại, đầu tư, trao đổi giáo dục, đối thoại chính trị cũng như hợp tác giữa các cơ quan. Trong suốt những năm qua, Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy cải cách tư pháp, thúc đẩy tính minh bạch và thúc đẩy nhà nước pháp quyền.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu |
Bên cạnh đó, Đại sứ Ann Mawe giới thiệu một số nét chính về hệ thống pháp luật của Thụy Điển; một số điểm chính về lĩnh vực giáo dục. Đại sứ Ann Mawe cho biết thêm, nhiều trường đại học Thụy Điển được quốc tế biết đến vì sự cống hiến cho tư duy độc lập, nghiên cứu khoa học và kiểm soát chất lượng chính xác. Các trường đại học Thụy Điển được công nhận vì cam kết chào đón sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Những đặc điểm này khiến Thụy Điển trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên muốn lấy bằng luật quốc tế cũng như trong các lĩnh vực nghiên cứu khác.
Tại buổi nói chuyện, bà Đặng Phương Lan, cán bộ Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam giới thiệu về hệ thống giáo dục đại học và sau đại học tại Thụy Điển; các Trường Đại học nổi tiếng tại Thụy Điển; cách thức apply học bổng và xin visa du học Thụy Điển. Các khách mời đã chia sẻ kinh nghiệm du học chuyên ngành pháp luật tại Thụy Điển; các kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình công tác/hợp tác với Thụy Điển.
Một số hình ảnh tại chương trình: