Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong Dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội XI của Đảng đã tổng kết quá trình thực tiễn của cách mạng Việt Nam và nêu lên những bài học chủ yếu, trong đó có bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân; đoàn kết dân tộc; đoàn kết quốc tế.

Trong Dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội XI của Đảng đã tổng kết quá trình thực tiễn của cách mạng Việt Nam và nêu lên những bài học chủ yếu, trong đó có bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân; đoàn kết dân tộc; đoàn kết quốc tế.

Cương lĩnh là văn kiện cơ bản của Đảng nên chỉ có thể nêu lên những quan điểm và phương hướng lớn, không thể đề cập những chủ trương, chính sách, biện pháp một cách cụ thể. Do đó, qua các kỳ Đại hội đều cần được bổ sung những giải pháp để thực hiện hiệu quả. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đảng rất coi trọng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách có hiệu quả, để từ đó thực hiện các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn công cuộc đổi mới hiện nay đang đặt ra những vấn đề rất bức thiết mà Cương lĩnh Đại hội XI của Đảng cần tập trung làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn hơn. Chúng tôi xin đề xuất thêm một số vấn đề sau:

Một là, đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền với xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước. Năng lực lãnh đạo, năng lực của Đảng cầm quyền thật sự quan trọng và sâu sắc. Đảng phải trong sạch, có phẩm hạnh, để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để mang lại lợi ích cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mọi giai cấp, dân tộc, của các thành phần kinh tế, của mọi người dân. Đồng thời, bảo đảm phát triển lợi ích chung của dân tộc, đất nước. Các tổ chức Mặt trận, đoàn thể nhân dân cần đổi mới nhiều về nội dung, hình thức và phương thức hoạt động. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đội ngũ này nếu làm đúng, làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình sẽ đánh thức được nguyện vọng chính đáng của người dân và sẽ có tác động to lớn đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, chú trọng đến công tác giáo dục - đào tạo, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới. Mọi người không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thể chất và đạo đức. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đó là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Ba là, hoàn thiện nội dung nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và thực hiện đồng bộ, triệt để. Dân chủ càng mở rộng và thiết thực càng tạo ra sự đồng thuận xã hội và do đó sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thực hiện dân chủ không chỉ là kêu gọi, động viên dân chủ, mà quyền làm chủ của nhân dân phải được thực hiện trong chính sách, pháp luật và được bảo đảm bằng chính sách, pháp luật, quy chế. Nội dung dân chủ trong chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội cần được cụ thể hóa, lượng hóa để người dân hiểu và thực hiện. Cần nhận thức và xử lý đúng đắn giữa mối quan hệ dân chủ và tập trung dân chủ với kỷ luật, kỷ cương, pháp luật; dân chủ với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ.
Dân chủ càng mở rộng, càng thiết thực và càng tạo sự đồng thuận của xã hội, nhờ đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, phát huy mạnh mẽ. Để làm được điều này, Đảng cần nâng cao năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, thay vì biến các tổ chức bộ máy này thành công cụ đơn thuần nói theo. Vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đương nhiên đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của tổ chức này, nhưng nếu chúng ta dừng lại như thế thì sẽ hạ thấp vai trò của tổ chức Mặt trận, đoàn thể. Từ thực tiễn đã cho thấy, khi công cuộc xây dựng đất nước và CNXH càng đi vào chiều sâu thì tính dân chủ càng phải được thúc đẩy nhiều hơn, dân chủ phải đi đến tận hang cùng ngõ hẻm của nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước.

ThS. Võ Trung Tịnh Cao An (Học viện Chính trị-Hành chính khu vực 3)

Đọc thêm