Tăng cường năng lực và kỹ năng cho các hòa giải viên ở cơ sở

(PLVN) -Ngày 21/9, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tập huấn Hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cho tuập huấn viên cấp tỉnh.
Tăng cường năng lực và kỹ năng cho các hòa giải viên ở cơ sở

Đây là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị mà Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu, UNDP sẽ tổ chức trong thời gian tới.

Chủ trì và điều hành Hội nghị là ông Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Tham dự Hội nghị có ông Nils Christensen, Quyền Trưởng phòng Quản trị và Tham gia UNDP Việt Nam – nhà tài trợ; 2 chuyên gia uy tín là PGS.TS Nguyễn Thị Lan, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình – Đại học Luật Hà Nội và Th.S Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên, ông Trần Thanh Hưng; Các đại biểu là tập huấn viên cấp tỉnh về hòa giải ở cơ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Phát biểu khai mạc, ông Lê Vệ Quốc cho biết Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam trong những năm qua đã trở thành một thiết chế hết sức thân thiện, nhân văn của người dân Việt Nam trong việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, đời sống xã hội hàng ngày của người dân. Thiết chế Hòa giải ở cơ sở ngày càng được người dân đánh giá cao, tổ chức quốc tế, trong đó UNDP ghi nhận.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 100.000 các tổ hòa giải, hơn 600.000 hòa giải viên cơ sở. Số lượng đông nhưng vấn đề quan tâm nhất là chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay ngày càng hướng tới sự bình đẳng. Do đó, đặt ra thách thức lớn về chất lượng của đội ngũ hòa giải viên. 

Vừa qua Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 428 ngày 18/4/2019 về Tăng cường năng lực cho đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình và tài liệu để tăng cường năng lực và kỹ năng cho các hòa giải viên ở cơ sở. 

Trong khuôn khổ Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và UNDP đã tổ chức biên soạn Tài liệu tập huấn “Hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới”. Mục đích nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn viên sử dụng tài liệu và tiến hành tập huấn một cách khoa học, hiệu quả. Bởi một trong những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hòa giải viên hiện nay là sự hiểu biết về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, nhạy cảm giới trong hòa giải cơ sở.

“Hi vọng sau khi kết thúc đợt tập huấn, các tập huấn viên được trang bị kiến thức liên quan tới vấn đề giới, bình đẳng giới, nhạy cảm giới, đặc biệt được trang bị kỹ năng có thể trở thành tập huấn viên thực thụ. Khi trở về địa phương, tập huấn viên có thể lên lớp, hướng dẫn, đào tạo cho các hòa giải viên để ai cũng biết vấn đề giới là gì, như thế nào là bình đằng giới…  Với kiến thức, kỹ năng được trang bị nêu trên, chắc chắn các hòa giải viên sẽ biết vận dụng linh hoạt vào từng vụ việc hòa giải cụ thể. Việc này làm tăng hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, bảo đảm lợi ích công bằng cho các bên, bảo đảm tính bền vững của kết quả hòa giải thành”, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc nói.

 

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện UNDP cho biết hòa giải vẫn được coi là một cơ chế giải quyết tranh chấp phổ biến ở cơ sở trong khi các hòa giải viên ở cơ sở chưa đủ kiến thức, kỹ năng để làm việc với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, trong khuôn khổ Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), đã tổ chức biên soạn Tài liệu tập huấn, mục đích giúp các hòa giải viên cơ sở thực hiện nhiệm vụ của mình có hiệu quả hơn. “Đây là nguồn tài liệu hữu ích, hỗ trợ cho các hòa giải viên nhờ đó các hòa giải viên cơ sở có thể làm việc dễ hơn”, đại diện UNDP nói. 

Đọc thêm