Tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá

Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá và hoạt động văn hóa chuyên ngành như: Văn hóa thông tin cơ sở; hoạt động nghệ thuật biểu diễn; thư viện, bảo tàng, điện ảnh, quảng cáo, xuất bản, in và phát hành sách.
Lễ hội đền Bảo Lộc.
Ảnh: PV

Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá và hoạt động văn hóa chuyên ngành như: Văn hóa thông tin cơ sở; hoạt động nghệ thuật biểu diễn; thư viện, bảo tàng, điện ảnh, quảng cáo, xuất bản, in và phát hành sách. Trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, Bảo tàng Nam Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng Nam Định có gần 20.000 hiện vật, tài liệu trong đó có nhiều bộ sưu tầm cổ vật có giá trị, vừa phong phú ở loại hình vừa đa dạng ở chất liệu. Thông qua các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ học đã mang về hàng ngàn hiện vật quý như: Rừu, bôn, bàn mài bằng đá của người Việt Cổ có niên đại 4.000- 5.000 năm; điêu khắc đá thời Lý, đất nung thời Trần, chạm khắc gỗ thời Hậu Lê… bổ sung vào nội dung trưng bày. Thời gian qua, Sở VH-TT-DL, Bảo tàng Nam Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát và khai quật thăm dò một loạt vị trí thuộc quần thể khu di tích lịch sử văn hoá Trần như: Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, cánh đồng giữa đền Trần - Chùa Tháp… Kết quả đã tìm thấy hàng ngàn di vật gạch ngói, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc với các chủ đề rồng phượng bằng đất nung, ngói cong, gốm men ngọc, đồ kim loại; làm rõ một phần dấu tích của cung Trùng Hoa, là cơ sở khoa học để khẳng định Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ 2 của nhà Trần sau Thăng Long. Ngoài ra, những năm qua, Bảo tàng Nam Định đã tổ chức tiếp nhận 4 đợt hiến tặng, với 496 hiện vật của các tổ chức và cá nhân, trong đó, có nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị cao như: Sưu tầm gốm thời Lý - Trần, sưu tầm đồ đồng thuộc nền văn hoá Đông Sơn…

Trên lĩnh vực quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành hữu quan, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong tỉnh được khôi phục, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1.568 CLB sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Nhiều đội chèo hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế nhà văn hóa (NVH) ở tỉnh ta trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở thể hiện hiệu quả tích cực trong việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, huy động các nguồn lực xây dựng, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hoá. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 215/229 xã, phường, thị trấn có NVH; 1.435/3.682 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội ngoài phần “lễ”, trong phần hội, các trò chơi dân gian như: Đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm, đánh cờ người, hoa trượng hội, thổi cơm thi… đã từng bước được các địa phương đầu tư khôi phục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp liên ngành  trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa và quản lý các hoạt động văn hóa chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một hoặc có nguy cơ “thất truyền”. Việc tổ chức và quản lý lễ hội, nên không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ. Các loại hình âm nhạc độc đáo như hát Xẩm, múa Bài bông, Ca trù đang ngày một “vắng bóng” trong đời sống xã hội. Đối với mảng di sản văn hoá phi vật thể Hán - Nôm, số lượng di tích chưa xếp hạng ở tỉnh ta rất lớn (hơn 1.600 di tích), nhiều địa phương đã tự ý sửa chữa, tu bổ trong khi chưa có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tình trạng “thương mại hoá di tích” cũng như mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích...

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, trong thời gian tới, các ngành hữu quan cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước trong việc bảo tồn di sản và hoạt động văn hoá đến mọi người dân. Tỉnh cần có chính sách đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các làng nghề truyền thống; khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ đối với các thành phần kinh tế và người dân tham gia các hoạt động văn hóa như các đoàn nghệ thuật tư nhân, bảo tàng tư nhân, những cá nhân tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên các hoạt động văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý dịch vụ văn hóa, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Việt Thắng

Đọc thêm