Tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm là biện pháp phòng bệnh chủ động, tiến tới thanh toán các loại dịch, bệnh nguy hiểm, bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Trong những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tục xảy ra và diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh luôn đạt tỷ lệ thấp.
|
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm giống gia súc gia cầm tỉnh tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn hậu bị bố mẹ.
Ảnh: Dương Đức
|
Những năm gần đây, các ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã xuất hiện ở các địa phương trong tỉnh gây hậu quả và tác động không tốt đến phong trào chăn nuôi. Năm 2006, dịch tai xanh ở lợn xuất hiện ở xã Hải Sơn (Hải Hậu); 6/10 huyện, thành phố có dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm phải tiêu huỷ là 32938 con. Năm 2007, tháng 2 dịch cúm gia cầm xuất hiện tại các huyện Vụ Bản và Mỹ Lộc; tháng 4, dịch tai xanh ở lợn xuất hiện tại 3 huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực phải tiêu huỷ 4772 con lợn; ước thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Năm 2009, dịch lở mồm long móng phát sinh rộng ở các huyện Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên. Năm 2010, ổ dịch tai xanh ở lợn xuất hiện tại huyện Nghĩa Hưng... Theo quy định bắt buộc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là biện pháp chủ động khống chế và tiến tới thanh toán các loại dịch bệnh, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho đàn gia súc trong nhiều năm gần đây ở tỉnh ta đạt rất thấp so với kế hoạch. Cụ thể, tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ xuân năm 2007: đàn lợn đạt 33% kế hoạch, đàn trâu bò đạt 34% kế hoạch, đàn chó đạt 22% kế hoạch. Tiêm phòng năm 2008: vụ xuân tiêm cho lợn đạt 39% kế hoạch và tiêm cho trâu bò đạt 15% kế hoạch; vụ thu tiêm cho lợn đạt 29,9% kế hoạch, cho trâu bò đạt 28,6% kế hoạch, tiêm cho chó đạt 7,3% kế hoạch... Vụ xuân 2010, tiêm cho đàn lợn đạt 50% kế hoạch, tiêm cho đàn trâu bò đạt 69% kế hoạch, tiêm cho chó đạt 33,9% kế hoạch; tiêm phòng vụ thu 2010: đàn lợn đạt 49,1% kế hoạch, đàn trâu bò đạt 39,9% kế hoạch và đàn chó đạt 12% kế hoạch (?). Đây là một thực tế đáng lo ngại trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh ta.
Nam Trực là huyện có số lượng gia súc lớn, nhưng tiêm phòng vụ thu năm 2010, cả huyện chỉ nhận và tiêm được 10050 con lợn và 2525 con trâu bò. Ở xã Nam Toàn chỉ có 100 con lợn được tiêm vắc-xin phòng bệnh trong tổng số đàn lợn 482 con, bằng 20,7% và 25/46 con trâu bò, bằng 54,3%. Xã Nam Toàn đã từng xảy ra dịch cúm gia cầm và là "điểm nóng" của dịch tai xanh ở lợn năm 2007 (!).
Tại xã Yên Nhân (Ý Yên) - nơi có phong trào chăn nuôi khá, đàn lợn luôn đạt trên dưới 8000 con và đàn trâu bò trên 500 con. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh vụ thu năm 2010 cho đàn lợn đạt 55% và đàn trâu bò đạt 66,1% kế hoạch. Xã đã thành lập hiệp hội chăn nuôi, vừa giúp đỡ nhau giống, vốn, kỹ thuật..., vừa tạo đầu ra cho các thành viên. Đối với các trang trại, cán bộ thú y xã hướng dẫn và chủ các trang trại, gia trại đều tiêm phòng cho gia súc gia cầm và không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Ngoài lực lượng thú y, các đại lý thức ăn gia súc cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới trong chăn nuôi, vệ sinh phòng bệnh... cho các hộ nuôi nên nhiều năm nay trên địa bàn xã ít xuất hiện dịch bệnh ở gia súc gia cầm. Chị Bùi Thị Thu, cán bộ thú y xã cho biết: "Người chăn nuôi ở đây tự giác tiêm phòng vắc-xin vì nhận thức đúng về phòng chống dịch. Tuy nhiên ở xã Yên Nhân, người chăn nuôi mua vắc-xin ngoài về tự tiêm cho gia súc vì giá rẻ hơn 200-500 đồng/liều. Đợt tiêm phòng vụ thu này, xã Yên Nhân chỉ nhận 350 liều vắc-xin tại trạm thú y huyện còn lại 3289 liều vắc-xin mua ngoài (?). Trước thực trạng đó, UBND xã quyết định toàn bộ số lượng vắc-xin phòng bệnh cho gia súc của xã phải được lấy tại trạm thú y huyện. UBND xã sẽ hỗ trợ tiền chênh lệch giá cho các hộ chăn nuôi. Tình trạng mua vắc-xin ngoài và tự tiêm phòng hiện đang khá phổ biến ở huyện Ý Yên. Ngay trong đợt tiêm vắc-xin vụ thu cho đàn lợn năm 2010, số vắc-xin lấy tại trạm thú y huyện chỉ là 8.930 liều, nhưng các hộ chăn nuôi tự mua vắc-xin và tự tiêm với 24.499 liều, gấp gần 3 lần so với vắc-xin tại trạm. Theo thống kê của trạm thú y, toàn huyện có 29 xã có hộ chăn nuôi mua vắc-xin ngoài để tiêm, chỉ có 2 xã Yên Minh, Yên Khang và thị trấn Lâm là không có hộ mua vắc-xin ngoài để tiêm phòng vụ thu.
Trao đổi với đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về thực tế công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ở Ý Yên, đồng chí cho biết: Người chăn nuôi tự tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi là cái đích cho những năm tới của ngành chăn nuôi - thú y. Nhưng mua vắc-xin ngoài "luồng" là vấn đề đáng quan tâm vì liên quan đến chất lượng, kỹ thuật bảo quản. Đến thời điểm này, Chi cục Thú y tỉnh chưa cấp giấy phép kinh doanh vắc-xin cho một cơ sở nào... Quản lý vắc-xin phải có tủ chuyên dụng và luôn bảo đảm nhiệt độ 2-8 độ C. Trong lúc thiếu điện như vụ hè năm nay thì ai dám cam đoan vắc-xin ngoài bảo quản đúng (!). Đây cũng là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về quản lý vắc-xin trôi nổi hiện nay ở Ý Yên. Hiện tượng người chăn nuôi còn tư tưởng e ngại tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và sợ con nuôi chậm lớn, chậm sinh sản... là có song chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiệu lực của chính quyền, của BNNX vẫn chưa phát huy hết khi Chính phủ đã có Pháp lệnh Thú y, có các nghị định hướng dẫn; Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đã có các quyết định, hướng dẫn tổ chức tiêm phòng vắc-xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm. Bài học của xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) cho thấy: lực lượng công an xã cùng với BNNX đến từng hộ chăn nuôi để tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn gia súc gia cầm nên tỷ lệ tiêm vắc-xin vụ thu năm 2010 đạt 98% với trâu bò, đạt 89% với đàn chó và 71% với đàn lợn theo kế hoạch.
Công tác tiêm vắc-xin phòng chống bệnh dịch cho đàn gia súc gia cầm ở tỉnh ta còn nhiều nan giải, nhưng đây là việc phải làm vì có làm tốt việc tiêm phòng, kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch thì chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm phát triển bền vững./.
Tuấn Anh