Dự báo, năm 2011, nhu cầu điện trong mùa khô dự kiến tăng 18,3%. Sản lượng điện truyền tải đạt 93,7 tỷ kWh, tăng 14% so năm 2010. Trong khi đó, tình hình cung ứng điện được dự báo là vô cùng khó khăn. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ra Chỉ thị 171/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ ngày 1-1 đến 30-6 hàng năm).
Tiết kiệm điện ít nhất 1%/năm
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan, công sở phải xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng hàng năm, ban hành quy định về sử dụng điện, thay thế, sửa chữa các trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị; tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm; thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, khu vực bảo vệ theo tiêu chuẩn; chỉ sử dụng điều hòa khi thật cần thiết và chỉ để ở chế độ 25 độ C trở lên; khi cải tạo hoặc trang bị mới phải sử dụng phương tiện, thiết bị hiệu suất cao theo quy định hoặc thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Các cơ quan, công sở cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện tiết kiệm điện, công bố công khai thông tin về tình hình sử dụng điện, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
Các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị điện tiêu thụ điện lớn (như máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện,...) trong thời gian cao điểm của hệ thống điện, từ 17h đến 21h hàng ngày; khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc bóng đèn huỳnh quang.
Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm buổi tối, trường hợp có yêu cầu đặc biệt, từ sau 22 giờ tắt toàn bộ đèn chiếu sáng các pano quảng cáo tấm lớn.
Riêng các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có kế hoạch tiết kiệm điện ít nhất là 1%/năm. Chuẩn bị nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, đồng thời xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.
|
Ảnh: Internet |
Tránh cắt điện trên diện rộng kéo dài
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các giải pháp quản lý, kỹ thuật, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn mới tiếp nhận, phấn đấu giảm tổn thất ở khu vực này xuống còn 15% vào cuối năm 2011, còn 10% vào năm 2015.
Các Cty điện lực tỉnh, thành phố theo dõi tình hình sử dụng điện tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, báo cáo với Sở Công Thương, Sở Tài chính và UBND tỉnh để có biện pháp xử lý các đơn vị, khách hàng không thực hiện tiết kiện điện.
Việc vận hành hệ thống điện phải hợp lý, ổn định, an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất điện năng. Huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn điện.
Các Cty điện lực phải lập danh sách cung cấp điện theo thứ tự ưu tiên trong điều kiện thiếu điện để đáp ứng hợp lý nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, tránh cắt điện sinh hoạt trên diện rộng kéo dài.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi để cán bộ, nhân dân biết và có những giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các giờ cao điểm./.
Theo: hanoimoi.com.vn