Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

(PLO) - Hôm qua (15/4), Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 đã chính thức khởi động và kéo dài từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn quốc, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, rà soát việc thực hiện các quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh,… Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố. 

Các đoàn sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn… 

Riêng đối với TP Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. 

Cụ thể, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, gồm lãnh đạo các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng mỗi đoàn, kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ban, ngành trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. 

Mặt khác, các đoàn sẽ đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực được phân công. 

Theo kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. 

Qua đó, gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Đọc thêm