Tăng cường trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên, nhi đồng thuộc nhóm đối tượng yếu thế

(PLVN) -Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, sáng ngày 3/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến: “Trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc nhóm đối tượng yếu thế”.
TS. Đào Văn Hội, Tổng biên tập tặng hoa các vị khách mời.
TS. Đào Văn Hội, Tổng biên tập tặng hoa các vị khách mời.

Khách mời tham dự Chương trình là ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và bà Ninh Thị Hồng, Uỷ viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Về phía Báo PLVN, có sự tham dự của TS. Đào Văn Hội, Tổng biên tập; đồng chí Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp cùng đông đảo các đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn Báo Pháp luật Việt Nam.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc nhóm đối tượng yếu thế không chỉ giải quyết các vụ việc cụ thể mà còn giúp nhóm đối tượng này nâng cao hiểu biết pháp luật. Từ đó góp phần trang bị cho thanh thiếu niên, nhi đồng những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh sự, sức khỏe của mình.  

 

Tại Chương trình giao lưu, Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh đã khái quát một số quy định cơ bản của Luật TGPL năm 2017. Theo đó, so với Luật TGPL năm 2006, diện người được TGPL đã được mở rộng (từ 6 diện người lên 14 diện người) bao gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; gười dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; một số trường hợp cụ thể có khó khăn về tài chính…

 

Người được TGPL có 8 quyền, trong đó có một số quyền cơ bản như: được TGPL miễn phí; có quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL; có quyền yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL khác; nếu việc thực hiện TGPL gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì họ có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại…

Theo rà soát của các địa phương thì số lượng người thuộc diện TGPL chiếm khoảng 45% dân số cả nước. Nếu thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc một trong các nhóm người đã nêu ở trên thì họ thuộc đối tượng là người được TGPL.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng. Tuy nhiên, công tác TGPL cho các đối tượng này được đánh giá là còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Cù Thu Anh cho rằng một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc tiếp cận và thụ hưởng quyền được TGPL của đối tượng này là do trình độ dân trí, trong đó hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế. Mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL ở một số địa phương còn mỏng; kỹ năng thực hiện TGPL cho những đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số trong đó có thanh niên, thiếu niên và nhi đồng vẫn còn hạn chế; kinh phí hoạt động của một số Trung tâm TGPL nhà nước còn ở mức độ nhất định…

“Để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trong đó có đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn dễ dàng tiếp cận và được thụ hưởng dịch vụ TGPL thì cần có sự quan tâm của tất cả các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là các trung tâm TGPL Nhà nước phải chủ động tìm đến nhu cầu TGPL của bà con để giúp đỡ họ”, ông Cù Thu Anh nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Liên quan tới vấn đề TGPL cho các nhóm đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng, bà Ninh Thị Hồng nhận định có nhiều nhóm trẻ em với những đặc thù khác nhau. Trong đó, trẻ em thuộc đối tượng tàn tật, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, không nơi tương tựa… thường khó tiếp cận được với quyền được TGPL. Vì vậy, bà mong muốn sẽ có thêm nhiều các tổ chức, cá nhân tự nguyện; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này. 

 

Trước thực trạng thời gian qua có rất nhiều vụ án về bạo lực gia đình, về xâm hại trẻ em, bà Ninh Thị Hồng cho biết Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đang triển khai các biện pháp phòng ngừa, truyền thông cho cộng đồng, gia đình và chính trẻ em để các em không bị xâm hại, không vi phạm pháp luật. Đối với các vụ bạo lực, xâm hại đã xảy ra, Hội sẽ cử các luật sư, luật gia thuộc mạng lưới tình nguyện của Hội để tham gia bảo vệ cho các em trong vụ án này.

“Trong các vụ việc mà nạn nhân là trẻ em, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ các đối tượng, tùy theo đối tượng là nam hay nữ, hoàn cảnh gia đình, chúng tôi sẽ cử người hỗ trợ các cháu theo hướng đảm bảo tính thân thiện, cởi mở, giúp các cháu xóa bỏ được mặc cảm để trò chuyện, trao đổi. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm TGPL địa phương, Hội phụ nữ… để tiếp cận gia đình các cháu, thu thập chứng cứ để đánh giá vụ việc một cách khách quan, toàn diện”, bà Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, bà Hồng cũng cho biết để hạn chế tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, công tác truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác này. 

Đọc thêm