95% cô dâu Việt ĐKKH tại Hàn Quốc
Với quy trình tương đối chặt chẽ trước đây mà việc đăng ký kết hôn (ĐKKH) có yếu tố nước ngoài vẫn còn tồn tại những bất cập do quy định của một số nước cho phép ĐKKH vắng mặt. Cụ thể, pháp luật của Hàn Quốc, Nhật Bản… không yêu cầu hai bên kết hôn phải có mặt khi ĐKKH nên rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ Việt Nam đã chuyển hồ sơ sang nước ngoài (đa số là Hàn Quốc) để làm thủ tục ĐKKH.
Theo đó, phía công dân Việt Nam chỉ gửi hồ sơ (bao gồm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bản sao Giấy chứng minh nhân dân, bản sao Sổ hộ khẩu gia đình) để phía công dân Hàn Quốc đăng ký vào sổ hộ tịch, chứ không trực tiếp sang Hàn Quốc để làm thủ tục ĐKKH.
Trong khi nếu nộp hồ sơ ĐKKH tại Sở Tư pháp ở Việt Nam thì một khâu đặc biệt của quy trình trước thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành là yêu cầu hai bên nam nữ phải có mặt tại Sở Tư pháp để trả lời phỏng vấn. Vì thế, rất nhiều trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc đã chuyển sang làm thủ tục ĐKKH tại các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc rồi làm thủ tục công nhận ở Việt Nam thông qua thủ tục ghi chú.
Theo số liệu từ ngày 1/1/2005 – 31/12/2010, cả nước có gần 38 nghìn trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc theo quy trình đăng ký tại Hàn Quốc, chiếm 95% trong tổng số các cô dâu Việt lấy người Hàn Quốc.
Việc kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát sinh không ít tiêu cực khi mà chị em ít có cơ hội tìm hiểu người chồng tương lai của mình. Đa số các trường hợp hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh mà báo chí đưa tin đều là các trường hợp kết hôn vắng mặt phía phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc. Đau xót hơn cả là đã có nhiều cô dâu Việt bị sát hại như Huỳnh Thị Mai, Thạch Thị Hoàng Ngọc, Hoàng Thị Nam...
Chỉ mất 15 ngày làm thủ tục
Còn theo Luật Hộ tịch và Nghị định 123, việc ĐKKH có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại UBND cấp huyện, bỏ thủ tục phỏng vấn đối với các bên khi ĐKKH, giúp cho thời gian thực hiện thủ tục ĐKKH có yếu tố nước ngoài giảm chỉ còn khoảng 15 ngày (giảm 1/2 so với trước).
Lý giải về thay đổi trên, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, nhiều địa phương phản ánh phỏng vấn còn hình thức, gây phiền hà, dễ phát sinh tiêu cực, việc giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài thường quá thời hạn so với quy định. Nhiều Sở Tư pháp còn “đẻ” thêm thủ tục hành chính, một số nơi yêu cầu phỏng vấn lần 2 nhưng không nêu lý do.
Do không rành về ngôn ngữ, luật pháp cũng như tập quán, phong tục của các quốc gia, vô hình trung việc phỏng vấn tạo áp lực cho chính cán bộ tham gia phỏng vấn. Tại nhiều quốc gia cũng có quy định rất thoáng, không bắt buộc công dân của họ phải có những giấy chứng nhận này, thực tế có nhiều trường hợp phụ nữ sang du lịch rồi ở lại kết hôn luôn.
Vì thế, pháp luật hiện quy định khi kết hôn với người nước ngoài, người dân chỉ cần đến UBND xã yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chứ không cần phải qua vòng phỏng vấn tại Sở Tư pháp như trước.
Bên cạnh những thuận lợi, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, quy định cũ chặt chẽ còn phát sinh tiêu cực thì sự “nới lỏng” hơn khiến quyền lợi hợp pháp của phụ nữ rất dễ bị vi phạm. Tuy chưa phân tách cụ thể các trường hợp nhưng năm 2015 đã giải quyết thôi quốc tịch Việt Nam cho 4.474 trường hợp, năm 2016 tăng lên 4.932 trường hợp.
Chuyên gia tư vấn pháp luật Nguyễn Thị Hương (Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội) chia sẻ, Trung tâm đã từng từ chối cấp giấy chứng nhận đối với hàng chục cuộc đăng ký tư vấn xin cấp giấy chứng nhận cho hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Các cô dâu Việt cũng được cảnh báo về hậu quả vi phạm pháp luật hôn nhân - gia đình, vi phạm thuần phong mỹ tục, nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người phụ nữ. Nhờ vậy, đã có không ít cô dâu Việt nhận thức được điều này.
Thế nhưng, việc bãi bỏ thủ tục phỏng vấn trong điều kiện các đơn vị cấp huyện, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thường thiếu cán bộ có chuyên môn như nhân viên thẩm định hồ sơ, phiên dịch viên… thì nhiều ý kiến đề nghị phải tăng cường tư vấn cho cô dâu Việt để có thể thấy được rủi ro tiềm tàng nếu lấy chồng không vì mục đích hôn nhân mà vì nhu cầu xuất ngoại, kinh tế...