Tăng cường vai trò giám sát của người dân với việc kiểm soát TTHC

(PLO) - Hiện, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Đề án Hệ thống đánh giá giám sát tình hình kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) để trình lên Chính phủ vào đầu năm tới. Khi đi vào thực hiện, hệ thống sẽ giản lược rất nhiều khâu dư thừa, tiết kiệm đáng kể ngân sách, và quan trọng hơn là tăng cường tính minh bạch cũng như vai trò giám sát của dân đối với việc KSTTHC.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đó là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc Hội thảo tham gia lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính (TTHC) và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện KS TTHC, hệ thống đánh giá, giám sát tình hình KSTTHC do Cục KSTTHC tổ chức diễn ra tại TP.HCM ngày 23/10. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chủ trì.
Mỗi năm chi hàng trăm tỉ cho báo cáo
Đó là số liệu được đưa ra bởi tiến sĩ Lê Vệ Quốc, thuộc nhóm nghiên cứu Cục KSTTHC. Theo ông Lê Vệ Quốc, việc làm báo cáo đã là một “gánh nặng” cho các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương nhiều năm nay. Với việc phải làm báo cáo bằng giấy hàng quý cho các TTHC (chứ chưa nói đến báo cáo hàng tháng và cho các công tác khác), thì chi phí cho việc in ấn, công văn bưu điện, công sức cán bộ, viên chức bỏ ra lên đến con số hàng trăm tỉ mỗi năm. 
Cũng rất trăn trở về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhận định, với tình hình báo cáo giấy phức tạp, nhiêu khê như hiện nay, thật khó mà phát huy hệ thống giám sát, đánh giá. Từng có thời gian thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo việc tổng kết của ngành Tư pháp nhiều năm, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chia sẻ rằng, ông nhận thấy chất lượng của báo cáo hầu như không khác nhau giữa các năm, hầu như có một phom mẫu chung lặp đi lặp lại. Đáng ngại hơn là chất lượng báo cáo không cao. 
Thứ trưởng Sơn chia sẻ, trong một đợt kiểm tra tại một đơn vị gần đây, một thành viên trong đoàn đã phát hiện số liệu thống kê tại đơn vị này có độ “vênh” một cách kì lạ, nghĩa là các số liệu cộng lại hoàn toàn không khớp nhau, cũng tức là đã có sai sót trong báo cáo. Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp, để thấy rằng báo cáo giấy hiện đã quá lạc hậu. Và bước đi của Bộ Tư pháp là thiết lập hệ thống hiện đại nhằm biến khâu báo cáo trở nên đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm hơn, đồng thời tăng tính đồng bộ, minh bạch từ Trung ương đến địa phương, giữa chính quyền với dân. 
Công khai hóa, minh bạch hóa bằng Hệ thống giám sát
Theo tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Hệ thống giám sát (theo dõi và đánh giá) đang được Cục KSTTHC Bộ Tư pháp xây dựng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác thống kê của chính quyền. Khi hệ thống được vận hành, những số liệu sẽ được cập nhật liên tục, báo cáo không còn bằng giấy nữa mà trở thành báo cáo online, mà không cần chờ hàng quý mới tổng kết, thậm chí có thể báo cáo hàng tháng, hàng ngày, hay bất kì lúc nào với bất kì nội dung gì với thao tác hết sức đơn giản và tính chính xác cực kì cao. 
Hiện, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng sử dụng công nghệ thông tin tốt, có hệ thống một cửa điện tử, việc áp dụng Hệ thống sẽ dễ dàng. Đối với các địa phương chưa có hệ thống một cửa điện tử, Cục sẽ hỗ trợ bằng mẫu báo cáo (nhật kí điện tử) giúp địa phương dễ dàng cập nhật số liệu hàng ngày. Điều quan trọng hơn cả là với Hệ thống này, việc người dân đi làm TTHC phải tới lui dăm ba lần mới có kết quả có lẽ chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. 
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định, nếu con số thống kê không chính xác thì khó lòng nói chuyện công khai, minh bạch, và việc giám sát cũng không đạt hiệu quả như ý. Ngoài ra, nếu cải cách chỉ xuất phát từ một phía, tức từ cấp Trung ương với việc ban hành những văn bản đẹp, mà bên dưới cán bộ vẫn tư duy cũ, cách làm cũ thì thành ra vô ích. Bởi vậy, tăng cường hiệu quả giám sát ở cả hệ thống, sâu sát từ cấp Trung ương đến địa phương là điều cần làm, và Hệ thống giám sát, đánh giá bằng công nghệ thông tin chính là một trong những công cụ tốt để cơ quan quản lý thực hiện được điều này. Bộ Tư pháp kì vọng sau khi được Chính phủ phê duyệt, Hệ thống sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng để đi vào cuộc sống và giúp “nhẹ gánh” cho chính quyền, đem lại sự hài lòng cao cho người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia giới thiệu và  trao đổi về nội dung Dự thảo Thông tư hướng dẫn công bố, niêm yết TTHC, nội dung đánh giá, giám sát việc thực hiện KS TTHC. Trong đó, quy trình công bố TTHC; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố, công khai TTHC; thẩm quyền ký ban hành báo cáo và việc ủy quyền ký, ban hành báo cáo... là một số nội dung quan trọng, nhận được nhiều quan tâm và ý kiến thảo luận từ phía các sở, ngành địa phương. Dự thảo Thông tư lần này gồm 3 chương, 22 điều và các phụ lục, biểu mẫu đính kèm, với 3 nội dung chính là công bố TTHC, niêm yết TTHC và chế độ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện KSTTHC.

Đọc thêm