Tăng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đã và đang thực hiện tích trữ và bình ổn giá cả dịp Tết với các mặt hàng thiết yếu.
Các siêu thị đã dự trữ hàng hóa Tết tăng ít nhất 20%. (Ảnh minh họa - Nguồn: Khánh Vy/BNEWS).
Các siêu thị đã dự trữ hàng hóa Tết tăng ít nhất 20%. (Ảnh minh họa - Nguồn: Khánh Vy/BNEWS).

Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023 với tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với các tháng trước. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên cho dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm...

Đại diện Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách dịp Tết tăng 50% so với ngày thường và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò chả, trái cây trưng bày mâm ngũ quả…, các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ.

Đáng chú ý, để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây… được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu được kiểm tra bao gồm: kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng …

Chương trình Tết của Saigon Co.op sẽ bắt đầu sớm, từ trung tuần tháng 12, với các hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50 - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên đán và luân phiên giảm giá mạnh cho hàng nghìn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị. Đặc biệt, trong 10 ngày cận Tết các mặt hàng lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ Tết… cũng sẽ được giảm giá mạnh.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã thực hiện dự trữ các nhóm mặt hàng bình ổn thị trường như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, rượu bia - nước giải khát và các mặt hàng tiêu dùng mạnh vào dịp Tết như mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết… với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Hapro đã quyết định tăng thời gian mở cửa hệ thống kinh doanh. Theo đó, hệ thống siêu thị BRG Mart, Hapromart, Haprofood sẽ phục vụ người tiêu dùng đến 23h00 ngày 29 Tết; ngày 30 Tết sẽ mở phục vụ từ 8 - 12h và mở cửa trở lại ngày mùng 3 Tết. Đồng thời sẽ tổ chức kinh doanh theo các hình thức đa dạng, từ chào hàng đối với các đầu mối đối tác, tổ chức bán buôn, bán lẻ đến bán hàng online và tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu của Nhân dân tại các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành Hà Nội.

Một hệ thống phân phối lớn khác cũng đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng cho Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam (đơn vị vận hành Big C, Go maket) cho biết, để kích cầu tiêu dùng, ngay sát Tết Dương lịch, Central Retail sẽ triển khai chương trình “Vui Tết Việt”, giảm giá sâu từ 20 - 49% áp dụng với hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác… Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ áp dụng chương trình “Khóa Giá” đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa).

Đại diện Central Retail dự báo sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng, do đó Công ty đã chuẩn bị số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, với mong muốn tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền, Central Retail luôn ưu tiên các sản phẩm OCOP khi các siêu thị trong toàn hệ thống đều có 1 khu trưng bày các sản phẩm OCOP đa dạng về chủng loại.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Để phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 11 mặt hàng thiết yếu khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Theo báo cáo, các hệ thống phân phối cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn cung và dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, trong đó có những doanh nghiệp còn dự trữ cao hơn so với mức mà Sở Công Thương và TP Hà Nội giao để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp để có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương: Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn TP với tổng số vốn hơn 22.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 8.500 tỉ đồng để chuẩn bị các mặt hàng bình ổn thị trường (mặt hàng này chiếm 25 - 43%). Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và sau Tết; thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Đọc thêm