Mặt khác, sản phẩm này đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp giai đoạn 2011-2018 với tốc độ bình quân tăng 6,5%/ năm.
Khởi sắc nông thôn trên đất bưởi đặc sản
Xã Bằng Luân (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất huyện ở Đoan Hùng với tổng diện tích 170ha. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.
Hàng năm, vườn bưởi đặc sản Đoan Hùng mang lại hơn 300 triệu đồng cho hộ ông Vũ Đăng Ninh |
Nhờ năng suất, sản lượng tăng, giá cả ổn định nên nhiều hộ gia đình đã mở rộng đầu tư trồng bưởi đặc sản. Bên cạnh đó, việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên đã đưa năng suất bưởi tăng cao, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp.
Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Ông Vũ Đăng Ninh (thôn 2, xã Bằng Luân) cho hay, gia đình có 300 cây bưởi, thì có 200 cây đã cho thu hoạch. Những năm trước, mỗi khi bưởi vào vụ thu hoạch gia đình bán theo cây cho thương lái thu về 300 triệu đồng. Vụ bưởi năm nay, nhờ chăm sóc kỹ thuật mới (ủ phân cá bón cho cây bưởi) nên chất lượng bưởi ngon hơn, qua đó giá bán cũng cao hơn so với mọi năm, thu nhập nhờ đó cũng cao hơn…
Nhiều hộ gia đình ở xã Bằng Luân đã làm giàu từ cây bưởi đặc sản; đời sống ngày càng được nâng cao... |
Ông Vũ Khánh Hiệp (xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng) chia sẻ, gia đình có 750 gốc bưởi đặc sản, chủ yếu là bười Sửu và bưởi Bằng Luân. Do diện tích trồng bưởi lớn, không có người chăm sóc nên vài trăm trở lại đây gia đình đã phải chuyển 200 gốc bưởi Bằng Luân cho người dân chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch chia đôi, còn 550 gốc thì gia đình chăm sóc, đầu tư tự làm nên thu nhập khá cao.
Theo tính toán của ông Hiệp với tổng 550 gốc bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Nếu bán cùng 1 lúc cả 550 cây bưởi thì thu nhập ít nhất cũng được nửa tỷ đồng, chưa kể 200 gốc bưởi gia đình Bằng Luân đang cho người dân chăm sóc, lợi nhuận chưa đôi…
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiệu quả từ chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được khẳng định. Cây bưởi thật sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này. Từ thực tế, phát triển cây bưởi tại một số địa phương trong tỉnh Phú Thọ, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực đã mở ra một hướng phát triển mới ở chính những nơi còn nhiều khó khăn, từng lúng túng trong việc tìm và chuyển dịch cơ cấu cây trồng sao cho hiệu quả.
“So sánh với các cây trồng khác, bình quân 1ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Đoan Hùng”, ông Minh nhấn mạnh.
Đến năm 2020, huyện Đoan Hùng phấn đấu trồng mới khoảng 400ha, nâng diện tích bưởi đặc sản lên 1.500ha. Diện tích cho thu hoạch trên 1.100ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Đoan Hùng, Viện Nghiên cứu rau quả, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phân bón mới nhằm cải thiện và nâng năng suất, chất lượng, mẫu mã cho bưởi Đoan Hùng, đồng thời, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu để tăng giá trị kinh tế cho cây bưởi.
Để bưởi đặc sản vươn xa
Tuy khá nổi tiếng và hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn; có tiềm năng phát triển và được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nhưng đến nay, bưởi Đoan Hùng đa phần tiêu thụ trong thị trường nội địa; hành trình phát triển sản phẩm bưởi ra thị trường thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại nhất, thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm thì một số trường hợp kinh doanh bưởi đặc sản vì lợi nhuận đã dùng bưởi từ nơi khác để đánh lừa người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm bưởi Đoan Hùng.
Để sản phẩm bưởi thực sự khẳng định và mang lại giá trị cao từ thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng, các cấp ngành ở Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác quản lý kiểm soát chất lượng bưởi đặc sản với các nội dung; tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về giá trị thương hiệu bưởi, Luật bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức cho các hộ kinh doanh bưởi ký cam kết về nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết công khai giá bán...
Thời gian qua, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng đã thành lập 3 hợp tác xã sản xuất kinh doanh bưởi Chí Đám, Bằng Luân và Chân Mộng, các hợp tác xã đã đi vào hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phầm bưởi đến người tiêu dùng.
Một số hợp tác xã đã chủ động đem sản phẩm của mình tham gia quảng bá tại hội chợ nông sản do các tỉnh lân cận, các đơn vị đăng cai tổ chức. Năm 2017, 2018 UBND huyện Đoan Hùng đã phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi đặc sản với số lượng 35 vạn tem, gắn công tác quảng bá giới thiệu với bảo hành chất lượng, từng bước lấy lại lòng tin của khách hàng với sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Phát triển trồng bưởi theo quy trình VietGAP là mục tiêu hướng đến của huyện Đoan Hùng để nâng cao giá trị cây bưởi, những mô hình tiêu biểu sẽ là điển hình được nhân rộng trong toàn xã. Các hộ, nhóm hộ có đủ qui mô diện tích từ 10 ha trở lên sản xuất theo qui trình VietGAP sẽ được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/chứng nhận. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cho người nông dân.
Phát triển trồng bưởi theo quy trình VietGAP là mục tiêu hướng đến của huyện Đoan Hùng để nâng cao giá trị cây bưởi |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện Đoan Hùng có trên 2.450 ha trồng bưởi; trong đó, diện tích 2 giống bưởi đặc sản (bưởi Sửu và bưởi Bằng luân) chiếm 1.400 ha (bưởi Sửu: 536 ha, bưởi Bằng Luân: 864 ha); còn lại là 1 số giống bưởi khác (bưởi Diễn, bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh…); diện tích bưởi đã cho sản phẩm khoảng 1.500 ha.
Huyện Đoan Hùng tiếp tục xác định phát triển cây bưởi là chương trình mũi nhọn trong các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện. Trong định hướng phát triển cây bưởi, huyện tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích bưởi hiện có với hơn 1.100ha bưởi đặc sản.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ký kết hợp đồng liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Năm 2006, bưởi Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2014 sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Năm 2015 được tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi, là cơ hội cho trái bưởi đặc sản Đoan Hùng được nhiều nơi trong và ngoài nước biết đến.