Tăng học phí làm nóng chính trường Anh

Thành công trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh David Cameron với một loạt hợp đồng thương mại có giá trị hàng tỷ USD được ký kết đã không xoa dịu được cơn thịnh nộ của người dân Anh đang phải oằn mình dưới chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay.

Thành công trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh David Cameron với một loạt hợp đồng thương mại có giá trị hàng tỷ USD được ký kết đã không xoa dịu được cơn thịnh nộ của người dân Anh đang phải oằn mình dưới chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay.

Tăng học phí làm nóng chính trường Anh ảnh 1
Sinh viên biểu tình phản đối kế hoạch tăng học phí tại Luân Đôn. Ảnh: AP

Đêm 10-11 (giờ Việt Nam), khoảng 50.000 giảng viên và sinh viên Anh đã xuống đường biểu tình, gây náo động tại trung tâm Thủ đô Luân Đôn, phản đối kế hoạch của Chính phủ cắt giảm ngân sách giáo dục và tăng gần gấp 3 lần học phí tại các trường đại học. Căng thẳng gia tăng khi một nhóm người biểu tình quá khích đã xông vào chiếm tầng 1 Tòa nhà văn phòng Millbank Tower, nơi đặt trụ sở của đảng Bảo thủ cầm quyền, đập phá đồ đạc. Những người làm việc trong tòa nhà buộc phải sơ tán. Dù sau đó cảnh sát đã kiểm soát được tình hình và bắt giữ ít nhất 32 người, song các vụ đụng độ đã khiến 14 người, trong đó có 7 cảnh sát bị thương.

Đề xuất tăng học phí đại học để bù vào khoản ngân sách dành cho giáo dục đại học đã bị cắt 40% trong chiến dịch thắt chặt hầu bao của Chính phủ, nhằm để ra 83 tỷ bảng (khoảng 130 tỷ USD) từ nay đến năm 2014. Với việc cắt giảm mạnh tay này, hầu hết các khoản trợ cấp cho giáo dục đại học sẽ không còn, trừ bộ môn toán và khoa học. Trong khi đó, việc thu thêm học phí theo mức quy định của Chính phủ cũng chỉ đủ để các trường bù lỗ cho việc đóng thuế chứ không thể duy trì các quỹ khuyến học. Vì thế, một số trường đại học, kể cả Cambridge - trường được mệnh danh là quý tộc nhất Anh quốc có thể phải tư nhân hóa để tăng nguồn thu.

Đáng quan tâm là, nếu đề xuất tăng học phí được Quốc hội thông qua thì đến năm 2012, các trường đại học công lập sẽ được phép thu của sinh viên 6.000 bảng (tương đương 180 triệu đồng tiền Việt Nam)/năm và học phí tối đa của một sinh viên ở Anh có thể lên tới 9.000 bảng (khoảng 270 triệu đồng)/năm. Đây là một thông tin gây "sốc" với giới học đường ở xứ Sương mù vì dưới áp lực của chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt đến mức báo chí Anh mô tả đó là "những cú rìu chém", hơn 50% sinh viên đã không thể tìm được việc làm đủ để trang trải mức học phí hiện hành chứ chưa nói đến việc tăng lên gấp đôi, gấp ba như đề xuất của Chính phủ. Hiệp hội Sinh viên quốc gia và Ngân hàng HSBC ước tính sẽ có gần 80% số học sinh bị tước mất cơ hội học đại học nếu học phí tăng lên 10.000 bảng/năm.

Ngoài ra, những thay đổi ngân sách giáo dục và mức học phí có nguy cơ làm tổn hại tới hình ảnh mà ngành giáo dục tại đảo quốc này. Nhiều phụ huynh không chỉ từ Việt Nam sẽ buộc phải cân nhắc thêm khi cho con em mình đi du học tại Anh sau "sự cố" này. Với ngân sách hạn hẹp, các trường đại học Anh sẽ gặp không ít khó khăn để chiêu nạp và giữ chân nhân viên có tài. Các dự định bảo trì và nâng cấp cơ sở, trang thiết bị dạy học cũng buộc phải xem xét lại. Học phí cao đồng nghĩa với việc Anh sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh thu hút du học sinh trước nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây là những lý do thổi bùng cơn thịnh nộ của các sinh viên trong ngày 10-11 ngay tại trung tâm Luân Đôn. Bạo lực không phải là mục tiêu mà những người tổ chức biểu tình hướng tới, song Hội Sinh viên đe dọa sẽ "hạ bệ" các nhà lãnh đạo Liên minh cầm quyền vì đã không giữ lời hứa chống tăng học phí trong suốt chiến dịch tranh cử. Đây là một dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình quy mô lớn chống tăng học phí ở Anh sẽ tiếp diễn. Có dư luận từ Luân Đôn cho rằng Thủ tướng D.Cameron và Phó Thủ tướng Nick Clegg đã "phản bội", "phụ bạc" giới trí thức trẻ.

Tờ Điện tín của Anh cho rằng, Chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ tự do và Đảng Bảo thủ đang chơi một canh bạc nguy hiểm, không phải bằng tiền của họ mà bằng cuộc sống của hàng trăm ngàn công chức và những người lao động ở lĩnh vực tư nhân nhưng công việc phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Đọc thêm