Tăng lương, thu nhập lao động giảm?

(PLO) - Đại diện nhiều doanh nghiệp rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ không khiến lương thực lĩnh của người lao động được tăng lên mà còn bị giảm đi.
Doanh nghiệp cho rằng, khi lương tối thiểu tăng, lương thực lĩnh của người lao động sẽ bị giảm
Doanh nghiệp cho rằng, khi lương tối thiểu tăng, lương thực lĩnh của người lao động sẽ bị giảm

Tại cuộc họp bàn về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu giữa lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), Hiệp hội da giầy – túi xách Việt Nam ngày 15/10, một lần nữa đại diện cho các ngành thâm dụng lao động này cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu quá cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong lương thực tế  người lao động lại không được hưởng

Ông Lê Văn Quang,– Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú, hiện nay, hầu hết các DN chế biến thuỷ sản đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 50% đến 100%. 
Như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng là không có ý nghĩa, không ảnh hưởng tới lương thực lĩnh hiện nay của người lao động. Ngược lại, điều này chỉ gây bất ổn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Ông Quang phân tích, câu chuyện tăng lương luôn tác động đến giá cả thị trường, kéo theo việc tăng giá nhà trọ và giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác, làm cho đời sống người lao động càng khó khăn thêm.

Đồng quan điểm, bà Thuý Hạnh, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản khác đóng trên địa bàn Đồng bằng song Cửu Long cũng khẳng định, chính sách điều chỉnh tăng lương tối thiểu không mang lại lợi ích cho người lao động, bởi tăng lương nhưng thực tế thu nhập người lao động giảm. 
Khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp tăng thêm chi phí từ các phí bảo hiểm và phí công đoàn; Người lao động cũng sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại phí  nói trên.
Bà Hạnh dẫn ví dụ, doanh nghiệp bà thuộc vùng IV, nếu áp dụng theo quy chế trả lương tối thiểu daonh nghiệp trả cho người lao động là 2,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay mức lương bình quân của người lao động ở đây là 6 triệu đồng/người/tháng. 
Khi tăng lương tối thiểu, lương thực lĩnh của người lao động không tăng, ngược lại họ phải tăng các khoảng đóng khác như BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn….Cuối cùng, họ phải trích lương thực tế để đóng phần tăng thêm này hơn 100 nghìn mỗi tháng.

Về điều này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng đưa ra con số cụ thể rằng, một doanh nghiệp chi trả cho một công nhân lao động phổ thông làm đủ 26 ngày công trong tháng là 6.000.000 đ/tháng ( DN này nằm trong khu vực mức lương tối thiểu vùng II là 2.750.000 đ). Số tiền lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn.

Như vậy, khi người lao động nhận lương sẽ phải trừ đi 693 nghìn đồng các chi phí BHXH, BHYT, BHTN, phí Công đoàn của doanh nghiệp đóng và 303 nghìn đồng phần phí người lao động đóng; Như vậy người lao động thực lãnh trong một tháng là: 6.000.000 – 693.000 – 303.188 = 5.003.812 đồng.

Trong khi đó, năm 2016, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng 12,4% thì lương tối thiểu vùng II sẽ là: 3.091.000 đ và mức các loại phí phải đóng tăng lên 1.119.715 đồng. Lúc này, lương thực lĩnh  chỉ còn: 6.000.000 – 1.119.715  =4.880.285 đồng.

Và, nếu tăng lương tối thiểu lên 12,4% trong năm 2016 thì thu nhập người LĐ sẽ giảm: 123.527 đ/tháng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động này cũng tỏ ra “bức xúc” về phí công đoàn. “Không có lý do gì để doanh nghiệp phải nộp đến 2% lương tối thiểu cho công đoàn phí. Tăng lương tối thiểu, hàng tháng doanh nghiệp lại phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ cho công đoàn, trong khi tổ chức này không có nhiều vai trò, mỗi tháng chỉ họp một lần và gần như không để làm gì”, lãnh đạo một doanh nghiệp phát biểu.

Tính toán của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho thấy,  một doanh nghiệp ở vùng II, có tổng số lao động là 15.000 người. Phí công đoàn phải đóng hàng năm tính theo lương tối thiểu là: 2.750.000 x 1.05 x 15.000 lao động x 2% x 12 tháng = 10.395.000.000 đ. Nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4% sẽ là: 11.683.980.000 đồng.

Đọc thêm