Bỗng dưng ôm nợ
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, bà Hoàng Mỹ Hương trình bày, ngày 12/8/2010 bà được bà Ngô Thị Tình (trú 306 đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà, Quảng Trị, nay chuyển tới 14A đường Hồ Bá Phấn, quận 9, TP.HCM) hỏi mượn tài khoản để nhận giúp bà ta 500 triệu đồng do bà Phan Thị Hồng Vân (trú 270A đường Điện Biên Phủ, TP.Huế) chuyển để trả nợ.
Vốn là bạn bè thân quen nên bà Hương đồng ý. Khi thấy bà Vân chuyển tiền vào tài khoản của mình tại Ngân hàng Agribank Quảng Trị, bà Hương đã rút tiền và giao tận tay bà Tình (có xác nhận).
Sau hơn 5 năm, những tưởng mọi chuyện đã vào quên lãng thì ngày 16/12/2014 bà Hương bị bà Phan Thị Hồng Vân khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền gốc 500 triệu đồng và hơn 100 triệu đồng tiền lãi?
Theo đơn khởi kiện, bà Vân cho rằng do có quen biết từ trước nên vào tháng 11/2010 bà đã cho bà Hương mượn số tiền trên. Theo thỏa thuận, đến ngày 01/01/2013 bà Hương phải trả nhưng do bà Hương không trả nên bà Vân khởi kiện.
“Khi nhận được thông báo triệu tập của TAND TP.Đông Hà, tôi như chết đứng vì giữa tôi với bà Vân không hề quen biết nhau, tại sao bà Vân lại cho tôi mượn tiền. Nếu mượn phải có giấy tờ chứng minh, thậm chí số điện thoại của tôi bà Vân cũng không biết, sao lại cho tôi mượn tiền dễ dàng như vậy? Đây là số tiền bà Tình nhờ tôi nhận giúp do bà Vân trả nợ cho bà Tình. Tôi đã cung cấp cho Tòa án các chứng cứ chứng minh tôi không vay tiền bà Vân. Tuy không có hợp đồng vay nhưng Tòa vẫn thụ lý đơn khởi kiện của bà Vân”, bà Hương bức xúc.
Một số luật sư cho hay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì “Người khởi kiện phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp và có căn cứ”; Điều 165 cũng quy định: “Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.
Như vậy, nếu bà Vân không có các bằng chứng, giấy tờ khác chứng minh việc cho vay như thư từ trao đổi giữa hai bên hoặc hợp đồng trong đó ghi rõ nội dung chuyển tiền cho vay…thì không thể khởi kiện. Tuy nhiên, ở đây bà Vân chỉ có bản phô tô giấy chuyển tiền tại ngân hàng, không có chứng cứ chứng minh cho vay tiền thì không thể yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc Tòa cũng không thụ lý vụ án.
Thế nhưng ngày 13/8 vừa qua, TAND TP.Đông Hà vẫn đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, ngoài việc khẳng định mình không vay tiền của nguyên đơn, bà Hương cũng cung cấp cho Tòa án giấy xác nhận của bà Tình viết với nội dụng: “Vào ngày 12/8/2010 tôi có mượn tài khoản của bà Hương để giao dịch một khoản tiền là 500 triệu đồng do bà Vân chuyển vào để trả nợ...”.
Với những chứng cứ trên có thể thấy số tiền bà Vân chuyển vào tài khoản của bà Hương là để trả nợ cho bà Tình. Thế nhưng những chứng cứ ấy không được Tòa án quan tâm, xem xét mà vẫn làm ngơ, tuyên buộc bà Hương phải trả 500 triệu đồng cho bà Vân.
Bản án bị kháng nghị
Sau khi bản án được tuyên, lập tức ngày 27/8/2015 VKSND TP.Đông Hà có Quyết định số 864/QĐKNPT-VKS “Kháng nghị Bản án số 19/2015/DSST ngày 13/8/2015 của TAND TP.Đông Hà theo thủ tục phúc thẩm”.
Theo đó, VKSND TP.Đông Hà cho rằng TAND TP.Đông Hà chưa làm rõ mục đích của việc chuyển tiền mà chỉ căn cứ vào giấy chuyển tiền ngày 12/8/2010 để xác định bà Vân và bà Hương đã xác lập vay tài sản là thiếu căn cứ, không có tính thuyết phục.
Hội đồng xét xử đã không xác định nguồn gốc các giấy tờ vay tiền giữa bà Vân và bà Tình, không yêu cầu bà Vân xác nhận chữ viết và chữ ký trong các bản phô tô là của mình hay không để tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án.
Tòa sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án như đã phân tích ở trên nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hoàng Mỹ Hương. VKSND TP.Đông Hà đã đề nghị TAND tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Hồng Vân.