Tuy Bộ GD&ĐT chưa chính thức phê duyệt chỉ tiêu tuyển của các trường ĐH, CĐ nhưng nhìn vào chỉ tiêu dự kiến của nhiều trường, có thể thấy mùa tuyển sinh này, việc mở ngành học "hot" để thu hút thêm nhiều sinh viên (SV) đang là xu thế của rất nhiều trường.
Tăng ngành, mở rộng khối trong kỳ tuyển sinh năm nay là tin vui của nhiều học sinh THPT. Ảnh: Phạm Yên |
Mở tất cả các hướng
Ở phía Nam, việc mở thêm ngành học năm nay có thể thấy rõ nhất ngay tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Ngoài việc mở thêm khoa Y, tuyển 100 chỉ tiêu trong năm 2010, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến có thêm nhiều ngành học mới.
Theo TS. Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM), trường đang xin phép để mùa tuyển sinh này có thể đào tạo bốn ngành học mới là ngữ văn Tây Ban Nha, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Du lịch.
Ba ngành học đầu trước đây nằm trong khoa Đông Phương học nhưng nay được chuyển thành những ngành độc lập. Với ngành Du lịch, trước đây tại trường vẫn có ngành Địa lý Du lịch, nằm trong khoa Địa lý. Du lịch sẽ là ngành có mức độ đào tạo rộng và chuyên nghiệp hơn. Cả bốn ngành này đều là những ngành tiềm năng có nhu cầu lớn nên trường mới mở thêm.
Trường ĐH Quốc tế cũng dự kiến mở thêm ngành Kỹ thuật Công nghiệp - hệ thống (khối A, D1) và ngành Kỹ thuật Y sinh (khối A,B). Đây là những ngành học khá nóng trong mùa tuyển sinh 2009 và trường dự kiến thu hút được nhiều thí sinh trong năm nay. Bị cấm tuyển thêm chỉ tiêu vì tuyển vượt năm 2010, nhưng ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM) dự kiến tuyển thêm khối A vào ngành Sinh học (trước đây chỉ tuyển khối B).
Việc mở thêm khối thi cũng là một hướng đi của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong năm nay. Các ngành Ngữ văn (cả sư phạm và cử nhân) thi khối C và khối D1; ngành Tin học (cả sư phạm Tin học và CNTT) thi khối A và khối D1, ngành tiếng Pháp (cả sư phạm và cử nhân) thi khối D1 và khối D3.
Trong khi đó, ngoài việc tuyển sinh ngành mới là Âm nhạc với 3 chuyên ngành: Thanh nhạc, Chỉ huy hợp xướng và Lý luận âm nhạc (mỗi ngành tuyển 10 chỉ tiêu), ĐH Sài Gòn năm nay sẽ tuyển sinh trong cả nước đối với cả các ngành Sư phạm và Ngoài Sư phạm (các năm chỉ tuyển ngành Sư phạm đối với thí sinh có hộ khẩu tại TPHCM).
Ở phía Bắc, năm nay ĐH Y Hà Nội mở thêm nhiều ngành và hình thức đào tạo mới. Trường mở thêm hệ cử nhân điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học với 250 chỉ tiêu, Điều dưỡng trung cấp vừa làm vừa học để thành cử nhân, trong đó có 50 người sẽ học tại Quảng Ninh. Một hệ khác của ĐH Y Hà Nội là cử nhân y tế công cộng liên thông định hướng dân số dành cho những người đã có bằng trung cấp y và dược đi học.
Năm nay, ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ mở thêm chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn thuộc ngành Quản trị Kinh doanh. Ngoài ra sẽ có thêm 2 ngành mới là Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế.
Thầy và trò một trường trung học tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên |
Không thể tiếp tục tự trói mình
Điều đầu tiên có thể thấy là hầu như các trường đều không mở thêm các ngành thuộc khối Kinh tế, Tài chính nữa. Sau một thời gian “làm mưa làm gió” trong cuộc đua mở các ngành thuộc các khối này tại nhiều trường, năm nay khối ngành Kinh tế, Tài chính xem như đã bão hòa và bớt nóng hơn rất nhiều.
Năm nay, việc ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… cùng vào cuộc tuyển một ngành học với nhiều khối thi cho thấy các trường muốn mở rộng thêm nguồn tuyển cho mình cũng như suy nghĩ về tính lệ thuộc khối thi của một ngành học không còn cứng nhắc như trước nữa. |
Theo các chuyên gia tuyển sinh, sở dĩ có điều này là vì có lẽ các trường dự đoán số thí sinh thi vào các ngành này trong năm nay sẽ giảm hơn các năm trước.
Việc tuyển sinh một ngành học với nhiều khối thi hiện nay đã được các trường áp dụng nhiều hơn. Trong khi mùa tuyển sinh năm 2009, ở hệ thống các trường ĐH công lập, hầu như chỉ có trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TPHCM) là có cách tuyển sinh này. Việc tuyển nhiều khối thi cho một ngành được các trường ĐH ngoài công lập như ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương TPHCM… áp dụng.
Năm nay, việc ĐHKHTN (ĐHQG TPHCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… cùng vào cuộc tuyển một ngành học với nhiều khối thi cho thấy các trường muốn mở rộng thêm nguồn tuyển cho mình cũng như suy nghĩ về tính lệ thuộc khối thi của một ngành học không còn cứng nhắc như trước nữa.
Còn với trường ĐH Sài Gòn, việc mở rộng nguồn tuyển cho cả nước chính vì lý do muốn thu hút thêm nhiều thí sinh có chất lượng hơn.
Ông Mỵ Giang Sơn – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn – cho biết: “Trước đây, tiền thân trường là trường CĐ Sư phạm TPHCM nên phải bắt buộc tuyển thí sinh trong khu vực TPHCM. Nhưng hiện nay, khi phát triển theo hướng một trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực hơn, trường bắt buộc phải thay đổi nguồn tuyển để chất lượng đầu vào được tốt hơn. Muốn chất lượng đào tạo tốt hơn, không thể trói chân mình mãi được!”.
Theo Tiền Phong