Tăng phí, xén hè, mở đường…để chống ùn tắc giao thông

“Cơ chế về phí đậu đỗ với xe ô tô cũng cần được xây dựng theo hướng đánh mạnh về kinh tế, tăng phí dần theo số giờ đậu đỗ, tiếp tục xén hè, mở đường, xây dựng các cầu vượt có kết cấu nhẹ…” là một trong nhiều giải pháp được đưa ra trong buổi báo cáo của Sở GTVT, Sở GD&ĐT, Công an TP.Hà Nội với lãnh đạo TP Hà Nội  sáng qua (14/3).

 “Cơ chế về phí đậu đỗ với xe ô tô cũng cần được xây dựng theo hướng đánh mạnh về kinh tế, tăng phí dần theo số giờ đậu đỗ, tiếp tục xén hè, mở đường, xây dựng các cầu vượt có kết cấu nhẹ…” là một trong nhiều giải pháp được đưa ra trong buổi báo cáo của Sở GTVT, Sở GD&ĐT, Công an TP.Hà Nội với lãnh đạo TP Hà Nội sáng qua (14/3).  

 

Giảm 5 - 50% ùn tắc

Phó Chủ tịch UBND TP  Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Hà Nội đã có bước chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, số điểm ùn tắc hiện còn 79/124 điểm, giảm 5-50% ùn tắc ở 14 nút khảo sát. Dù rằng, hầu  hết các nút giao thông đều vượt khả năng thông qua từ 1,5-2,3 lần, có những nút vượt 4 đến 5 lần.

Thực hiện chỉ tiêu của Chính phủ về giảm 15% tai nạn giao thông, giảm 30 % ùn tắc giao thông, đại diện của CA Hà Nội cho biết đã triển khai nhiều biện pháp, như khảo sát các “điểm đen”, tăng cường bố trí làm thêm hai giờ/ngày, tuần tra kiểm soát vào ban đêm để tăng cường xử lý, xây dựng các chuyên đề xử lý như dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm vỉa hè…

Nhờ đó cơ bản giao thông TP chuyển biến tốt, giảm trên 40% tai nạn giao thông, xử phạt hơn 18.000 trường hợp, xử lý hành chính được hơn 52 tỷ đồng.

Đại diện Sở GD&ĐT khẳng định, giải pháp đổi giờ học về cơ bản đã được các trường thực hiện nề nếp, không có vướng mắc lớn gì xảy ra. Tình trạng ách tắc trước các cổng trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, đối với một số trường ở ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giao thông thì có thể cho các trường này linh động không tan học theo giờ của các trường trong nội thành.

Tháng 9 phải bàn giao các điểm đỗ xe mới

Đó là đề nghị của CA TP Hà Nội, vì “nếu không làm quyết liệt thì rất khó hoàn thành” . Bên cạnh đó, các Sở, ngành Hà Nội cũng đề nghị, trong thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện các giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập trên địa bàn, tổ chức phân làn phương tiện, tiếp tục duy trì các tuyến trung tâm và hai tuyến xuyên tâm.

Đồng thời tiếp tục cương quyết không cho đậu đỗ 262 tuyến phố song hành với  tổ chức triển khai các điểm giao thông tĩnh. Trong 33 điểm bãi đỗ xe giao thông tĩnh đã giao chủ đầu tư, trong năm 2012 tập trung hoàn htanhf dứt điểm bãi đỗ cao tầng ở đường Lê Văn Lương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Nhật Duật, đồng thời triển khai một số bãi giao thông tĩnh khác.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, sau một thời gian triển khai các giải pháp giảm ùn tắc giao thông với những kết quả tích cực, thời gian tới, TP cần tiến hành những giải pháp quyết liệt hơn, trong đó xe buýt cần điều chỉnh tuyến, lượng, giờ để khai thác một cách tối đa, cơ cấu lại kích thước, hình dáng xe cho phù hợp hơn. Giải pháp đổi giờ học, giờ làm cũng cần tiếp tục thực hiện với tinh thần sáng tạo, linh động cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cơ chế về phí đậu đỗ với xe ô tô cũng cần được xây dựng theo hướng đánh mạnh về kinh tế, tăng phí dần theo số giờ đậu đỗ. Tiếp tục xén hè, mở đường, xây dựng các cầu vượt có kết cấu nhẹ để mở rộng khả năng tham gia các lưu lượng giao thông cho nhân dân. Hà Nội cũng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp lâu dài mang tính đột phá, như các dự án đường sắt, tàu điện ngầm, giãn dân trong khu đô thị lõi…

Huy Anh

Đọc thêm