Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức sáng qua tại Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Phải giữ qui định về Công đoàn trong Hiến pháp
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trong thời gian qua, có một số ý kiến đề nghị bỏ Điều 10 quy định về công đoàn trong Hiến pháp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng ý với ý kiến này vì qua 3 bản Hiến pháp, luôn có một điều qui định riêng cho thấy Công đoàn luôn là đại diện của giai cấp công nhân và của người lao động và là một tổ chức chính trị - xã hội không thể thiếu trong quan hệ lao động, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội hài hòa, ổn định đất nước.
Tán thành quan điểm này, PGS.TS.Nguyễn Viết Thông (Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TƯ) cho rằng, “việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động càng được đặt ra và Công đoàn là tổ chức có chức năng, nhiệm vụ ấy” nhất là trong điều kiện “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giai cấp công nhân nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Cũng nhận thấy “phải giữ lại Điều 10 Hiến pháp nói về Công đoàn”, ông Đan Tâm (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn) đưa ra 3 căn cứ về vai trò, chức năng vốn có của Công đòan, sự khác biệt cơ bản về quyền hạn và phương thức Công đoàn so với các tổ chức chính trị - xã hội khác và thực tiễn hoạt động Công đoàn và cho rằng, “bỏ Điều 10 thì có thể giảm được vài trăm từ của Hiến pháp nhưng cái hại thì khó lượng định được đối với vai trò của giai cấp công nhân và Công đoàn”.
Chỉ chiếm 21% tổng số lao động nhưng hàng năm, giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước cho thấy, giai cấp công nhân và Công đoàn có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nên “bỏ quy định về Công đoàn trong Hiến pháp sẽ hạ thấp địa vị pháp lý của giai cấp công nhân”, ông Đan Tâm kết luận.
Khẳng định vị thế qua “bảo vệ quyền lợi người lao động”
Đa số các chuyên gia cho rằng, “sửa đổi, bổ sung những qui định về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng, là căn cứ, điều kiện pháp lý cho tổ chức và hoạt động công đoàn”. Tuy nhiên, phải thể hiện được “sức sống” của tổ chức Công đoàn là khả năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động.
TS.Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) nhận định, “giữ Điều 10 như dự thảo nhưng cần điều chỉnh để làm rõ bản chất của tổ chức Công đoàn dựa trên những căn cứ về nhận thức về vị trí, vai trò mới của tổ chức Công đoàn trong điều kiện mới, đổi mới, hội nhập”.
Theo đó, Công đoàn là tổ chức rộng rãi của công nhân và người lao động trong mọi thành phần kinh tế, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của Đoàn viên và người lao động, có tổ chức đa dạng, phong phú về ngành nghề, địa bàn hoạt động. Đặc biệt, “lõi của vấn đề” nằm ở chỗ, Công đoàn phải “đại diện cho người lao động trong quan hệ 3 bên Nhà nước- người sử dụng lao động- người lao động, chứ không phải là “đuôi của Nhà nước” hay “bàn tay nối dài của chủ sử dụng lao động”.
Vì thế, TS.Phạm Hồng Kỳ (Văn phòng Chủ tịch nước) thấy cần cân nhắc qui định Công đoàn chỉ đóng vai trò “tham gia” như qui định tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chưa thể hiện được hết bản chất, vai trò của Công đoàn trong mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Nên “có thể xác định rõ quyền của Công đoàn đối với hoạt động quản lý nhà nước như quyền kiến nghị chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, quyền giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội” - TS.Phạm Hồng Kỳ đề nghị…
Để củng cố những cơ sở “giữ chân” Điều 10 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số đại biểu cũng lưu ý, Công đoàn phải tự đổi mới mạnh mẽ, hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân và người lao động và lôi cuốn được đông đảo công nhân vào các hoạt động của Công đoàn.
Huy Anh