Tăng thẩm quyền cho Hải quan là góp phần quan trọng bảo đảm an ninh cửa khẩu

(PLO) - Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Hải quan lần này là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 
Ông Nguyễn Văn Phúc
Ông Nguyễn Văn Phúc
Theo đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc bổ sung thẩm quyền của lực lượng Hải quan (LLHQ) trong việc tiếp tục truy đuổi ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan là cần thiết nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm này. Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phúc (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) khi trao đổi bên hành lang Quốc hội trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật này vào sáng nay (23/6).
Nhiều ĐBQH tán thành việc tăng cường quyền hạn cho LLHQ như Dự thảo Luật. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi ủng hộ quan điểm để LLHQ thực thi nhiệm vụ thì phải tăng cường quyền hạn tương ứng, nhưng cần có sự kiểm soát. Lực lượng nào cũng vậy, tăng cường quyền hạn là dễ lạm dụng nên tăng cường quyền hạn phải đi liền với kiểm soát. Riêng đối với LLHQ, trong những lĩnh vực, địa bàn phức tạp như trên biển, LLHQ phải hoạt động đơn độc, không thể có sự phối hợp tức khắc của các lực lượng khác như trên đất liền nên cần tăng cường cho họ về phương tiện, lực lượng, quyền hạn, công cụ. Cần chú ý chỗ đó vì buôn lậu trên biển rất phức tạp. 
Ông nghĩ sao về thẩm quyền truy đuổi liên tục của LLHQ? 
- Về nguyên tắc, chúng ta thực thi pháp luật thống nhất, liên tục nên không thể nói đến chuyện địa bàn khi LLHQ truy đuổi. Theo cách hiểu cũ có qui định địa bàn hải quan để không chồng lấn vào thẩm quyền của các lực lượng khác như Cảnh sát Kinh tế… Nhưng từ thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu, nhất là trên biển, thời gian qua, thì cần qui định cho LLHQ thẩm quyền truy đuổi liên tục vì không thể bảo hết địa bàn, LLHQ phải dừng lại để lực lượng khác truy đuổi tiếp. 
Tôi cho rằng, qui định mở rộng địa bàn cho LLHQ là phải kiểm soát và có qui định về sự phối hợp giữa các lực lượng, chứ không phải mở rộng địa bàn hải quan nào thì LLHQ có quyền vào bất kỳ nhà nào để kiểm tra. Nghĩa là, cần nghiên cứu để qui định những tình huống, nhiệm vụ cụ thể thì LLHQ được thực hiện truy đuổi liên tục, thực thi pháp luật một cách liên tục. Tôi nghĩ Dự thảo Luật sẽ được ủng hộ theo hướng như vậy để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đã đặt ra. Thông thường, đã mở rộng phạm vi sẽ chồng lấn giữa các lực lượng đòi hỏi phải có sự phối hợp và luật phải qui định chặt chẽ, nếu không sẽ chồng lấn thẩm quyền.
Theo một số ĐBQH, nếu giao quyền cho LLHQ thì không sợ lạm quyền vì ai cũng phải thực hiện theo qui định pháp luật. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
- Ai được giao quyền cũng có xu hướng lạm quyền. Đấy là nguyên lý chung, có quyền lực là có lạm quyền nên mới cần phải kiểm soát. Vấn đề là phải giao thẩm quyền đúng, hợp lý. Trong mối quan hệ này, nếu không giao thẩm quyền cho LLHQ được truy đuổi liên tục là hợp pháp nhưng không hợp lý vì không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Như vậy qui định sẽ không tồn tại được lâu dài. Lý do vì sao luật của ta thường có “tuổi thọ” ngắn, cứ phải sửa liên tục một phần quan trọng là do tính hợp lý chưa đảm bảo được.
Trước khi Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, ông có thấy còn vấn đề gì cần bổ sung thêm vào Dự thảo này?
- Tôi nghĩ, điều quan trọng là thực thi Luật sau này làm sao dành cho LLHQ vị trí, vai trò độc lập vì LLHQ không thuộc địa phương nào. Nếu không đảm bảo tính độc lập tương đối của ngành này sẽ dẫn đến tình trạng  “địa phương cát cứ”. Còn trong bối cảnh mới, vai trò đảm bảo an ninh của ngành Hải quan sẽ rất lớn trong việc phòng, chống rửa tiền, tội phạm ma túy, vũ khí…, nói chung là vấn đề an ninh cửa khẩu. Nhiều nước đã chuyển LLHQ về Bộ An ninh nội địa để nhấn mạnh vai trò đảm bảo an ninh của lực lượng này, chứ không đơn thuần là vai trò về kinh tế (thu thuế). Đến lúc nào đó, khi thuế suất bằng 0 thì biết đâu ở nước ta ngành Hải quan cũng sẽ không còn thuộc Bộ Tài chính mà có thể được chuyển sang một thiết chế khác để thực hiện vai trò kiểm soát an ninh.

Đọc thêm