Chính Phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Tại Nghị Quyết, Chính phủ nêu rõ: mặc dù du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư vào du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng; các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế; thiếu sự liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức sự kiện,... còn thiếu, chưa đồng bộ.
Đặc biệt, chính sách visa cho khách quốc tế có điểm chưa phù hợp, thời hạn tạm trú ngắn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế.
Để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nằm trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đồng loạt triển khai các giải pháp cụ thể:
Tái cơ cấu lại thị trường khách du lịch
|
Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL chú trọng khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. |
Với mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách.
Trong đó, chú trọng khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ VH-TT&DL cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành du lịch để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, UBND các địa phương cần đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa) và thị thực truyền thống, kéo dài thời gian tạm trú cho du khách khi vào Việt Nam.
Bộ Công an cũng cần cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện công tác kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng.
Điều chỉnh khung giá trần đưa giá vé máy bay về đúng thị trường
|
Một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững Tại Nghị quyết 82/NQ-CP là xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn để đưa giá vé hàng không về đúng cơ chế thị trường. |
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Nâng cao năng lực điều hành tại các sân bay, trọng tâm là sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình thuê chuyến (charter) phục vụ du lịch. Hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn để đưa giá vé hàng không về đúng cơ chế thị trường, gỡ khó cho các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện tích luỹ năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh với các hãng quốc tế.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.
Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi
Ngoài ra, tại Nghị quyết 82/NQ-CP Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.