Tăng tỷ giá VNĐ/USD: Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn

Sáng 18-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin tăng tỷ giá VNĐ/USD Mỹ. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới sẽ là 18.932 đồng/USD, tăng khoảng 2% so với mức tỷ giá cũ.

Sáng 18-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin tăng tỷ giá VNĐ/USD Mỹ. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới sẽ là 18.932 đồng/USD, tăng khoảng 2% so với mức tỷ giá cũ. Biên độ tỷ giá vẫn là (cộng, trừ) 3%. Mức giá trần sẽ là 19.500 đồng/USD. Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại công bố tỷ giá mua vào, bán ra là 19.250 đồng và 19.310 đồng/USD. Trước đó, giá USD trên thị trường tự do ngày 17-8 tăng chóng mặt, nhất là tại địa bàn Hà Nội.

 

Công ty LS Vina Cable phải nhập khẩu 70% lượng nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn khi tỷ giá VNĐ/USD tăng Ảnh: Duy Thính

Công ty LS Vina Cable phải nhập khẩu 70% lượng nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn khi tỷ giá VNĐ/USD tăng

Ảnh: Duy Thính

Đầu giờ sáng 17-8, giá USD tự do trên địa bàn Hà Nội được điều chỉnh nhẹ vượt qua mốc 19.300 đồng và sau liên tiếp tăng lên 19.320 đồng/USD. Đến khoảng 10 giờ, giá USD lên tới 19.350 đồng/USD, nhiều đại lý không có USD để bán. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do ở Hải Phòng tăng chậm hơn, nhiều người kinh doanh ngoại tệ “phi” xe ô- tô từ Hà Nội về Hải Phòng  mua gom USD. Theo anh Hùng, một trong những người từ Hà Nội về mua gom USD tại một số cửa hàng vàng trên địa bàn thành phố cho biết, mua USD tại Hải Phòng rẻ hơn ở Hà Nội và chắc chắn là mua được. Chỉ trong buổi sáng, anh Hùng và một số người bạn mua đủ số lượng USD cần thiết và trở về Hà Nội ngay trong ngày. Trong khi đó, tại Hà Nội, Giá USD tăng liên tục khiến giao dịch USD sôi động hẳn lên khi nhiều người dân đổ xô đi mua USD. Tại chợ USD tự do Hà Trung, có đại lý phải dừng bán vì lộn xộn. Giao dịch mua bán USD trên thị trường tự do tiếp tục sôi động cả buổi chiều. Tại thị trường Hải Phòng lượng người tìm mua USD cũng nhiều hơn những ngày trước.

 

Việc NHNN tăng tỷ giá VNĐ/USD khiến các doanh nghiệp có doanh số nhập khẩu lớn như các công ty: LS Vina Cable, Ắc quy Tia Sáng, các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép, quặng và thép phế…lo ngại. Theo Phó tổng giám đốc LS Vina Cable Nghiêm Đức Minh, công ty phải nhập đến 70% lượng nguyên liệu sản xuất. Đợt tăng tỷ giá VNĐ/USD hồi tháng 2 năm nay  khiến doanh nghiệp thiệt hại hơn 2 triệu USD. Với đợt tăng tỷ giá này, công ty vừa tính toán sẽ thiệt hại thêm khoảng 1,5 triệu USD. Do mấy đợt tăng tỷ giá này, đến nay công ty gần như mất hết lãi. Bằng thời điểm này năm ngoái, công ty có lãi khoảng 2 triệu USD nhưng đến nay mới chỉ được khoảng 200.000 USD, không đủ bù đắp thiệt hại do tăng tỷ giá. Công ty cũng dự đoán tỷ giá sẽ tăng nhưng có thể vào cuối năm, dãn cách thời gian tăng tỷ giá nhưng không ngờ mới đến giữa tháng 8, NHNN đã tăng tỷ giá. Điều làm công ty bức xúc là, dường như nhiều “đại gia” biết trước thông tin nên trong mấy ngày qua, tiền mua hàng (VNĐ) được các doanh nghiệp ồ ạt chuyển về công ty trong khi trước đó, bên mua càng trì hoãn được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chỉ trong vài ngày, công ty mất đứt gần 2% doanh thu do tăng tỷ giá. Công ty Ắc quy Tia Sáng cũng là doanh nghiệp nhập khẩu tới 60% nguyên liệu sản xuất. Phó giám đốc công ty Tô Văn Thành cho biết, với đợt tăng tỷ giá lần này, công ty rất bất ngờ và không kịp có sự chuẩn bị trước, ước tính thiệt hại khoảng 1% doanh thu (doanh thu mỗi tháng của công ty khoảng 20 tỷ đồng). Trước đó, đợt tăng tỷ giá đầu năm, công ty thiệt hại 2 triệu USD…

 

Việc tăng tỷ giá VNĐ/USD lần này có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và góp phần khuyến khích xuất khẩu, cụ thể là các ngành giày dép, dệt may, thuỷ sản, điện, điện tử…Tuy nhiên, Hải Phòng là thành phố nhập siêu nhiều hơn xuất siêu nên số doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ cũng lớn hơn số doanh nghiệp được lợi. Khu vực công nghiệp FDI nhập siêu nhiều sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Diện thiệt hại tiếp theo là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị cho các dự án. Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhập khẩu máy móc, thiết bị, các nhà thầu xây dựng ký hợp đồng trọn gói, chìa khoá trao tay cũng sẽ bị thiệt hại…Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán lợi nhuận mà việc tăng tỷ giá gây ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải rút kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình kinh tế- xã hội, biến động tỷ giá và các vấn đề quan trọng khác để điều chỉnh kế hoạch sản xuất,kinh doanh phù hợp. Song điều các doanh nghiệp mong mỏi, NHNN nên có một lộ trình về việc tăng tỷ giá và điều chỉnh mức tăng hợp lý, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp. Nếu không, nhìn tổng thể nền kinh tế, thiệt hại sẽ lớn hơn được lợi, vì Việt Nam vẫn là nền kinh tế nhập siêu.

 

Mai Hương

Đọc thêm