“Điểm sáng” chế biến, chế tạo suy giảm
Báo cáo của Cục Công nghiệp (CN - Bộ Công Thương) khẳng định thị trường của phần lớn các ngành CN trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng...
Tuy nhiên, trong năm 2023, kinh tế thế giới suy giảm, cầu hiện ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành CN chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất CN sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm. Ngành CN chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước đây. Chỉ số sản xuất CN (IIP) ngành chế biến, chế tạo năm 2023 ước tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Chỉ số IIP và sản lượng sản xuất của nhiều ngành CN quan trọng giảm so với cùng kỳ (như ô tô, xe máy, thép, điện tử, điện thoại di động, giày dép da, quần áo may mặc thường...). Năng lực sản xuất CN vẫn chậm được cải thiện, chưa có nhiều biến chuyển trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” vốn có của nền CN, đặc biệt là trong các ngành CN có tính nền tảng, then chốt.
Đại diện Cục CN dự báo, trong năm 2024, các ngành CN trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm - nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của sản xuất thế giới và khu vực - trong đó có Việt Nam. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn; Thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Cần chiến lược trong thu hút đầu tư FDI
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, những tháng đầu năm 2023, toàn ngành CN chứng kiến sự suy giảm mạnh với tốc độ tăng trưởng âm 6,3%. Trong đó, CN chế biến, chế tạo giảm 6,9% là điều chưa từng xảy ra trong cùng kỳ suốt 20 năm qua. Một số ngành CN chủ lực như xe máy, thép... đều giảm và giảm khá sâu, có lĩnh vực giảm đến 43% như CN điện tử. “Những con số này cho thấy “trận bão” mà chúng ta vừa đi qua là rất lớn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, CN hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài (FDI). Các ngành CN nền tảng, CN ưu tiên, CN mũi nhọn như lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, CN phụ trợ, CN năng lượng, năng lượng xanh... còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét, xem cần thu hút đầu tư FDI theo chiều hướng ra sao, phải xác định được những tiêu chí, điều kiện để lựa chọn lĩnh vực CN và các nguồn FDI.
Nhắc đến ngành CN bán dẫn đang rất “hot” hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải xác định kỹ càng thu hút đầu tư FDI để có thể tiếp cận, thay đổi được gì về vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Cụ thể, Phó Thủ tướng nói: “Trong thời gian tới, nếu chúng ta lựa chọn ngành CN bán dẫn, thì chúng ta có thể tiếp cận và hiểu được ngành CN này để từ đó có thể lựa chọn xem nắm bắt, thu hút đầu tư vào khâu nào trong chuỗi giá trị đó. Hay nói đến CN bán dẫn rồi cuối cùng cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc…”.
“Tôi nhắc điều này để các Bộ, ngành, doanh nghiệp đừng có mừng khi FDI đầu tư vào Việt Nam với công nghệ cao, tổng vốn đầu tư cao nhưng chúng ta vẫn chỉ ở khâu gia công. Chúng ta không có bao nhiêu giá trị gia tăng ở đó. Và trên thực tế, không giúp cho chúng ta thay đổi, nâng cao năng lực và giúp chúng ta phát triển được ngành CN nền tảng, mũi nhọn, cơ bản” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý, hiện Việt Nam đang là điểm hút rất lớn với thế giới, với các tập đoàn lớn bởi có thị trường rộng lớn với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Trong bối cảnh này, các Bộ, ngành phải lựa chọn, xây dựng được những chiến lược để vừa thu hút FDI nhưng vừa xây dựng được những ngành CN nền tảng.