Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và 20 tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự Hội nghị.
Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, công khai và minh bạch
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trình bày trước Hội nghị nhấn mạnh: Sự ra đời của hai đạo luật này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xây dựng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động xây dựng pháp luật, góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nền nếp, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng VBQPPL.
Qua đó, bước đầu khắc phục được tình trạng hệ thống VBQPPL phức tạp, quá nhiều loại văn bản, gây khó khăn khi theo dõi, xác định thứ bậc hiệu lực của các loại văn bản. Từ đó, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật từng bước có tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, qua 5 năm thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và 9 năm thực hiện Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004, Nhà nước đã ban hành được một số lượng lớn VBQPPL, điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/3/2013, số lượng VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành là 5.206, trong đó có 62 luật và 7 nghị quyết của Quốc hội; 14 pháp lệnh và 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 222 lệnh và quyết định của Chủ tịch Nước; 498 nghị định của Chính phủ; 379 quyết định của Thủ tướng…
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, việc thực thi hai luật cũng còn những hạn chế, bất cập như tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao; tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau; tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp; tính minh bạch còn hạn chế; tính khả thi còn nhiều bất cập và còn có sự “cắt khúc” trong xây dựng pháp luật, thiếu liên kết hữu cơ giữa việc ban hành pháp luật và thi hành pháp luật.
Từ những hạn chế này, báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất một số định hướng xây dựng Luật Ban hành VBQPPL.
Luật mới phải “Tạo cơ chế kiểm soát chặt chất lượng văn bản”
Đánh giá hai luật đã đạt được những kết quả quan trọng, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng chỉ rõ thêm những hạn chế trong quá trình triển khai, trong đó có thể kể đến như quy định của 2 luật trong một số trường hợp còn bất cập, máy móc, cứng nhắc; trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cán bộ soạn thảo chưa bám sát thực tiễn đời sống của đất nước; chưa huy động sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản, vì thế một số văn bản (VB) chưa bảo đảm tính khả thi; một số VB thiếu tầm nhìn xa, công tác dự báo chưa được quan tâm đúng mức; các thiết chế kiểm soát chất lượng VB chưa được chú trọng đầu tư thích đáng…
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị |