Đây là nhận định được nhiều đại biểu đồng tình tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật LLTP và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm LLTP quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (25/11).
Khó cho công dân và cả cơ quan quản lý
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Luật LLTP, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Đặng Thanh Sơn đã điểm lại những kết quả đạt được trên các mặt công tác cụ thể từ công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và Quyết định 2369; công tác phối hợp liên ngành triển khai thi hành Luật đến công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; công tác cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức...
Chẳng hạn, trong công tác cấp Phiếu LLTP, tính đến ngày 1/7/2013, Trung tâm LLTP quốc gia đã tiếp nhận gần 150 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam; các Sở Tư pháp thì cấp được gần 483,6 nghìn Phiếu LLTP.
Tuy nhiên, một trong những bất cập của quá trình triển khai Luật LLTP đã được thẳng thắn nhìn nhận là việc cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân. Ông Sơn cho biết, thời gian qua, lợi dụng quy định này các cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước như Hoa Kỳ, Canada, Australia... đã yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh.
“Việc công dân Việt Nam phải nộp Phiếu số 2 khi làm các thủ tục liên quan đến nhập cảnh theo yêu cầu của một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam là không phù hợp với quy định của Luật LLTP về mục đích sử dụng Phiếu số 2” - ông Sơn khẳng định.
Đại diện UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ thực trạng trên khi chỉ rõ rằng Phiếu số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp cho công dân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Trong khi lại có nhiều trường hợp công dân yêu cầu cấp Phiếu số 2 để phục vụ cho mục đích xuất khẩu lao động hoặc bổ sung hồ sơ công chức. Điều đó đã gây khó khăn cho cơ quan tư pháp trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý và cấp Phiếu LLTP tại địa phương.
Chấm dứt “lạm dụng” cấp Phiếu số 2
Để tháo gỡ vướng mắc trên, đại diện UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị nên quy định chung một loại Phiếu LLTP, không quy định 2 loại như hiện hành, đồng thời bổ sung mục đích cấp Phiếu trong Tờ khai và mẫu Phiếu LLTP nhằm giúp cơ quan Tư pháp làm tốt hơn việc tham mưu quản lý nhà nước về công tác LLTP và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng Phiếu LLTP.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng, theo phản ánh của các đại biểu thì đã có sự “lạm dụng” cấp Phiếu. Ngoài ra, còn có một số hạn chế khác như chưa quan tâm đúng mức đến kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; việc cấp Phiếu trong một số trường hợp còn kéo dài; việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn lúng túng... Tuy nhiên, Bộ trưởng đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP và nhấn mạnh đây là một lĩnh vực công tác mới, đòi hỏi chuyên môn cao để đáp ứng được yêu cầu của người dân, của công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, nhất là hoạt động tố tụng.
Bộ trưởng yêu cầu phải nâng cao nhận thức về công tác LLTP; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với Sở Tư pháp, cần làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với các Bộ, ngành, Bộ trưởng mong muốn đẩy mạnh hơn hoạt động kiểm tra liên ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh sai sót trong công tác LLTP...